Giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng đảm bảo chất lượng, khối lượng
Hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua là 470.600 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước 410.600 tỷ đồng và vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan Trung ương chiếm 22,9% và vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2018, 2019 là 6.973 tỷ đồng.
Đến nay, đã có 52/53 các bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.
Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/7 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn ngân sách Trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.
Tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến và đạt kết quả tích cực. 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tuy nhiên có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.
Tại Hội nghị, các bộ, địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện GNVĐTC; nêu các khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan những giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân từ nay đến cuối năm.
Đối với tỉnh Bình Định, thực hiện Quyết định giao kế hoạch vốn của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các các Nghị quyết của HĐND tỉnh, đến nay tổng kế hoạch được phân bổ thực hiện trong năm 2020 là 6.605.351 triệu đồng (bao gồm: Vốn trong nước là 5.699.102 triệu đồng, vốn nước ngoài (ODA) là 906.249 triệu đồng). Kết quả đến ngày 19/8/2020 giá trị thực hiện giải ngân là 3.526.162 triệu đồng, đạt 53,38% kế hoạch vốn giao (vốn trong nước đạt tỷ lệ giải ngân là 50,22% kế hoạch vốn giao, vốn nước ngoài tỷ lệ giải ngân đạt 72,97% kế hoạch vốn giao).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng đảm bảo chất lượng, khối lượng
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Quá trình thực hiện giải ngân, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Đặc biệt thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm mới trong đẩy mạnh giải ngân, đưa ra những chế tài mạnh đối với đơn vị thực hiện chậm việc giải ngân. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương có tiến độ giải ngân đạt dưới 35% cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, thúc đẩy giải ngân từ nay đến cuối năm.
Mặt khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, đời sống người dân, cho nên, GNVĐTC không chỉ đơn thuần góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở kinh tế hạ tầng mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu người dân. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong năm 2020; là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.
Các cơ quan, đơn vị cần tập trung làm ngay các nhiệm vụ trong thẩm quyền được giao; tổ chức, cá nhân nào thực hiện chậm thì phải xử lý nghiêm. Bí thư thành ủy, tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân tại địa phương; các bộ trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc giải ngân vốn đầu tư công phải thực hiện quyết liệt, kịp thời nhưng đảm bảo chất lượng, khối lượng, tránh tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, không để tình trạng tồn đọng vốn và kiên quyết thực hiện việc điều chuyển vốn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 7 đoàn kiểm tra của Chính phủ tiếp tục công tác kiểm tra nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hàng tháng công khai tiến độ giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương.
Thùy Trang