A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 19/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lễ khai trương trực tuyến Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia (TTBCQG), Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành (TTCĐĐH) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Dự Lễ khai trương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan; đại biểu khách quốc tế. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cùng tham dự.

Điểm cầu Bình Định

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau gần một năm khẩn trương triển khai xây dựng, Hệ thống TTBCQG và Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn thứ nhất, sẵn sàng đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống TTBCQG; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên Hệ thống.

Nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu (baochinhphu.vn)

Hệ thống TTBCQG được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan; cho phép theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp được khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên Hệ thống TTBCQG theo phân cấp quản lý.

Trong khi đó, Trung tâm TTCĐĐH được kết nối, tích hợp, liên thông và chia sẻ với Hệ thống TTBCQG, Trung tâm điều hành, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương sẽ phục vụ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng các thành viên Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương; trực tiếp chỉ đạo, điều hành thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến và tương tác tới thực địa.

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương là điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.

Tại buổi lễ, các đại biểu được giới thiệu về giao diện, các hợp phần, tính năng và chức năng, ý nghĩa của hệ thống và trải nghiệm Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Cổng Dịch vụ công quốc gia - kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước

Cũng tại buổi lễ, Văn phòng Chính phủ đã công bố tích hợp dịch vụ công trực tuyến thứ 1000 trên Cổng DVCQG:“Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau hơn 8 tháng vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử. Đã có gần 56,4 triệu lượt truy cập, hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái và trên 260.000 hồ sơ được thực hiện. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm; trong đó, Cổng DVCQG đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, từ 8 dịch vụ công được cung cấp vào thời điểm khai trương (9/12/2019), đến 19/8/2020, đã có 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp trên Cổng DVCQG. Cổng DVCQG đã trở thành kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, doanh nghiệp (DN) và các cơ quan Nhà nước, là điểm để người dân, DN tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử.

“Tiếp nối các sự kiện tiêu biểu trong xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, khi Hệ thống TTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương, cùng với sự kiện dịch vụ công thứ 1.000 được tích hợp lên Cổng DVCQG sẽ là điểm nhấn quan trọng, đánh dấu nỗ lực trong chặng đường xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương - Ảnh: VGP/Quang Hiếu (baochinhphu.vn)

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp triển khai, đưa vào khai trương Hệ thống TTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH. Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức quốc tế, các DN công nghệ thông tin, các chuyên gia trong nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn các chức năng, tính năng, giải pháp thiết lập Hệ thống TTBCQG; ghi nhận, biểu dương Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã xây dựng Hệ thống theo hình thức doanh nghiệp đầu tư và cho thuê lại dịch vụ, nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng lưu ý các bộ, địa phương, cơ quan cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng. Thủ tướng yêu cầu thông tin dữ liệu cần được chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và DN. Các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chuẩn hóa, điện tử hóa hơn 200 chế độ báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành chuẩn hóa, số hóa kiểu mẫu kết nối tích hợp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội lên Hệ thống TTBCQG.

Về Cổng DVCQG, Thủ tướng đề nghị hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật