A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XI: Các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề nóng, sát sườn với cuộc sống

Tham gia thảo luận tại các tổ trong chương trình kỳ họp chiều qua, 9.7, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh tiếp tục bàn bạc, cho ý kiến về định hướng phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng cuối năm 2014 và các tờ trình, báo cáo được đưa ra tại kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Văn Chánh (Tây Sơn) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.  Ảnh: V.L


Điều chỉnh quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận:

Từng bước phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ du lịch chất lượng cao

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi quy hoạch bao gồm TP Quy Nhơn hiện hữu, huyện Tuy Phước, xã Canh Vinh và Canh Hiển (huyện Vân Canh), xã Cát Tiến, Cát Chánh và một phần xã Cát Hải (huyện Phù Cát). Định hướng phát triển không gian đô thị là TP Quy Nhơn sẽ chuyển đổi từ mô hình đô thị độc lập sang mô hình đô thị đa trung tâm.

Về phân vùng phát triển, đô thị trung tâm Quy Nhơn hiện hữu tiếp tục là trung tâm vùng,  từng bước phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ du lịch chất lượng cao. Định hướng chuyển đổi các khu đất quốc phòng, an ninh dọc biển Quy Nhơn sang đất dịch vụ - du lịch... Khu vực phía Tây - Bắc trung tâm TP Quy Nhơn (phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu) phát triển các chức năng hỗ trợ đô thị trung tâm Quy Nhơn, như: công nghiệp, kho tàng, nhà ở, công trình hạ tầng xã hội, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

“Khi quy hoạch nên tính đến việc quy hoạch, làm đường phố rộng, thông thoáng, tránh tình trạng đường nhỏ, phố nhỏ tiết kiệm đất như nhiều con đường nội thị ở Quy Nhơn hiện nay, khi cần mở rộng đường lại phải đền bù, giải tỏa vừa tốn kém lại thêm phát sinh khiếu kiện”. ĐB CAO THỨ (HOÀI ÂN)

Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội hướng tới phát triển trở thành khu phức hợp công nghiệp - đô thị. Đô thị Cát Tiến là đô thị du lịch - dịch vụ gắn với các khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến, Trung Lương, Vĩnh Hội…; đô thị mới Nhơn Hội là đô thị sinh thái, dịch vụ phục vụ KKT Nhơn Hội về thương mại - tài chính, giao dịch quốc tế, nghiên cứu và đào tạo nhân lực trình độ cao… Khu vực phụ cận thì phát triển thương mại - dịch vụ, nông lâm, ngư nghiệp.

Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông, theo đồ án, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua xã Canh Vinh, Canh Hiển; bỏ tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn, cải tạo, nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp Quy Nhơn, xây mới ga tàu hàng tại Phước Lộc - Cầu Gành; nâng cấp sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế trước năm 2035; nâng cấp Cảng Quy Nhơn đạt công suất 30 triệu tấn/năm, xây mới cảng Nhơn Hội, di dời cảng cá Thị Nại ra Đề Gi.

“Đặc thù huyện Tuy Phước nằm cuối hai dòng sông lớn là sông Côn và sông Hà Thanh, độ nghiêng từ Tây Nam sang Đông Bắc cho nên tính thoát lũ rất lớn, nên khi quy hoạch phải có biện pháp thoát lũ. Cần quy hoạch rõ sự phát triển các xã phía Tây của huyện Tuy Phước và phía Đông của huyện Vân Canh. Khi quy hoạch Gò Bồi thành khu đô thị loại 5, huyện mong muốn nâng cấp Trạm y tế xã Phước Hòa thành trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe của người dân các xã phía Đông Bắc huyện Tuy Phước và các xã lân cận của huyện Phù Cát. Quy hoạch đầm Thị Nại phải chi tiết, cụ thể vì đầm Thị Nại được ví là lá phổi của huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn”. ĐB MAI VĂN NGỌC (TUY PHƯỚC)

Bên cạnh đó, giao thông đô thị cũng có những điều chỉnh như: không xây dựng tuyến cầu qua giữa đầm Thị Nại theo quy hoạch năm 2004 mà mở rộng cầu Thị Nại hiện có; xây dựng tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài đi khu đô thị Long Vân - Long Mỹ, qua núi Vũng Chua, qua Long Mỹ đến Canh Vinh, đấu nối vào đường cao tốc Bắc Nam; xây mới thêm 2 bến xe khách tại khu vực ga Diêu Trì và KKT Nhơn Hội; hình thành 5 bến xe tải ở Canh Vinh, Phú Tài, Diêu Trì, Cầu Gành - Phước Lộc, KKT Nhơn Hội...

 

Giải quyết kiến nghị của cử tri còn quá chậm

Đây là nhận định chung của ĐB Nguyễn Văn Chánh (Tây Sơn) và ĐB Đinh Yang King (Vĩnh Thạnh). ĐB Nguyễn Văn Chánh nói: “Đại biểu HĐND có trách nhiệm ghi nhận các kiến nghị, thắc mắc của cử tri,  phản ánh lại với HĐND, với các cơ quan chức năng để cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên, tôi thấy, hiện nay việc giải quyết kiến nghị cử tri còn quá chậm. Ngoại trừ những việc thuộc về cơ chế chính sách, hoặc ngoài khả năng của tỉnh, còn lại, đối với những việc không to tát lắm, nếu cơ quan chức năng quan tâm thì sẽ giải quyết được. Đằng này có những việc cử tri kiến nghị từ lúc tôi ứng cử từ năm 2011, đến nay vẫn còn, cử tri kiến nghị 4-5 lần vẫn không xong. Ngược lại, có những kiến nghị nếu được lãnh đạo tỉnh quan tâm thì giải quyết rất nhanh. Vừa rồi, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri nhưng cũng chưa thật hiệu quả. Tôi đề nghị, Thường trực HĐND tỉnh cần làm việc lại với UBND tỉnh về vấn đề này, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND”.

Trong khi đó, ĐB Cao Thứ (Hoài Ân) cho rằng, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh không chỉ là ghi nhận kiến nghị của cử tri, mà còn phải giải thích cho cử tri hiểu các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, không nên kiến nghị nào cũng ghi nhận rồi phản ánh lên.

 

Kinh tế sẽ khó khăn, tập trung phát triển du lịch biển

ĐB Nguyễn Thanh Tùng (TP Quy Nhơn) nhận định tình hình phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2014 của tỉnh sẽ gặp nhiều bất lợi do những bất ổn trên biển Đông. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như mì lát, titan, dăm gỗ chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc hiện đã chậm lại. Do vậy, ĐB Tùng đề nghị, thời gian đến, tỉnh không nên mở rộng, dàn trải thực hiện nhiều dự án mà nên cố gắng tập trung giữ vững sản xuất, đồng thời tìm cách phát triển dịch vụ du lịch, khai thác du lịch biển, nhất là khi bãi biển Quy Nhơn đang trở nên sạch hơn và đẹp hơn.

 

ĐB Cao Thứ (Hoài Ân) cũng đồng tình với ý kiến của ĐB Tùng. Ông Thứ nói: “Bãi biển Quy Nhơn đã đẹp hơn trước, nhưng dịch vụ vẫn còn nghèo nàn. Hôm rồi tôi đi tắm biển nhưng nơi dịch vụ lại không nhận giữ tiền, giữ điện thoại. Tôi hỏi tại sao không làm những tủ nhỏ giữ tư trang như ở các khu dịch vụ cao cấp thì được trả lời chỉ được đấu thầu hàng năm nên không đầu tư. Khách xa đến tỉnh ta thích tắm biển nhưng bãi biển lại không có dịch vụ nhận cất giữ tư trang đắt tiền cho du khách thì ai mà yên tâm xuống tắm. Việc này tuy nhỏ song muốn làm du lịch biển thì không thể không lưu tâm”.

 

Cần có lộ trình khi tăng các loại phí

Tiếp tục thảo luận về tờ trình của UBND tỉnh về việc ban hành mức thu tối đa và sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, nhiều ĐB đề nghị cần có lộ trình và chỉ nên tăng mức cao nhất bằng 150% mức thu hiện hành.

 

ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn) nêu quan điểm: “Tôi thống nhất tờ trình nội dung tăng phí giữ xe nhưng đề nghị HĐND phối hợp với UBND tỉnh kiểm tra, nghiên cứu ban hành làm sao cho phù hợp. Theo tôi được biết, hiện một số tỉnh, thành phố lớn vừa thông qua quy định mức phí trông giữ xe thấp hơn giá trong tờ trình của tỉnh ta. Theo tôi, mức phí hợp lý là tăng 150% so với mức thu hiện hành. Đề nghị HĐND và UBND tỉnh thêm danh mục xe đạp điện vào phần quy định phí trông giữ xe mô tô cho phù hợp để khỏi vướng mắc khi ban hành”.

Còn ĐB Từ Thị Phụng (An Lão) thì thẳng thắn: “Tôi đề nghị cần có lộ trình tăng phí trông giữ xe và phí chợ. Ở nông thôn, phí trông giữ xe chắc chắn là không thu được, chủ yếu là ở thành phố, đô thị. Mà ở thành phố chủ yếu là ở các trường học, bệnh viện. Học sinh, một ngày lên trường 3 bận mất 6.000 đồng gửi xe. Số tiền đó đối với chúng ta không lớn, song với học sinh, sinh viên thì lại khác, mất gần một cân thóc chứ ít gì. Về thu phí chợ, đối với người mua bán thường xuyên sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng còn những người lâu lâu gom góp được mấy con gà, vài chục cân gạo đem ra bán thì có nên thu phí như vậy không?

 

Theo baobinhdinh.com.vn

 


Tin nổi bật Tin nổi bật