A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Tối 31.3, tại khu vực Quảng trường Trung tâm tỉnh (đường Nguyễn Tất Thành, Quy Nhơn), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2015) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh đến dự Lễ kỷ niệm. 

Dự lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương; cùng lãnh đạo các tỉnh bạn, đoàn đại biểu Sư đoàn Sao vàng, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội....

Về phía lãnh đạo tỉnh Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy: Nguyễn Trung Tín, Mai Ái Trực, Vũ Hoàng Hà; Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND, thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các bà mẹ Việt Nam anh hùng; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các anh hùng lực lượng vũ trang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và đông đảo người dân trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đọc diễn văn ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Bình Định qua hai cuộc kháng chiến

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đọc diễn văn quan trọng ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Bình Định qua hai cuộc kháng chiến, những thành tựu trong 40 năm xây dựng và phát triển cũng như những mục tiêu đặt ra với tỉnh nhà thời gian tới. Trong chiến tranh, Đảng bộ, quân dân Bình Định đã đấu tranh anh dũng kiên cường, bám trụ giành từng tấc đất, từng bước đánh lùi quân Mỹ, nguỵ, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào ngày 31.3.1975, góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

 

"Bài học thành công được rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chúng ta đã biết phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo; biết dựa vào dân, kết hợp sức mạnh của toàn dân tộc với sức mạnh của thời đại, đặc biệt là đã hình thành được một mặt trận đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế hệ hôm nay và con cháu mai sau sẽ không quên những người con Bình Định bình dị, kiên cường đã kề vai, sát cánh đấu tranh tạo nên sức mạnh phi thường", Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Hồ Chí Minh cho lãnh đạo tỉnh, đại diện cho nhân dân, cán bộ tỉnh Bình Định.  

Kế thừa và phát huy truyền thống quật cường của quê hương Bình Định anh hùng, ngay sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Mặc dù phải khắc phục hàng loạt khó khăn, trở ngại trên tất cả các mặt do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, song với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong suốt 40 năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

 

Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt trên 9%/năm, tổng sản phẩm địa phương năm 2014 gấp 2,5 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển toàn diện với năng suất, sản lượng cao; công nghiệp đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình; dịch vụ ngày càng khởi sắc.

 

Tuy còn khó khăn, nhưng tỉnh cũng đã cố gắng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa và chỉnh trang đô thị thành phố Quy Nhơn, xứng đáng là đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục của tỉnh. Tỉnh Bình Định được đưa vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là trung tâm phát triển phía Nam của vùng.

"Trong buổi lễ trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tôi kêu gọi các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trong tỉnh hãy phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trong công cuộc kháng chiến cứu nước, đồng tâm, nhất trí, đoàn kết một lòng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bằng những hành động thiết thực góp phần xây dựng quê hương Bình Định mến yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp. Trước hết, chúng ta cần tập trung phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tích cực thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác với các địa phương, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường" - Chủ tịch UBNND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. 

Tại buổi lễ, Phó Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh đã công bố Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhân dân và cán bộ tỉnh Bình Định vì đã nhiều thành tích đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tiếp đó, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Bình Định. 

 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Với bề dày truyền thống về lịch sử, Bình Định là nơi kết tinh các giá trị truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây cũng là một trong những chiến trường nóng bỏng nhất. Nhưng với truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh quật khởi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã đạt được trong thời gian qua. 

 

Phần thưởng cao quý - Huân chương Hồ Chí Minh của Chủ tịch nước mà tỉnh Bình Định đón nhận tại buổi lễ là sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho quá trình chiến đấu, phấn đấu, trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định trong 40 năm qua. 

 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng rằng Đảng bộ, quân và dân Bình Định sẽ tiếp tục cùng với nhân dân cả nước tranh thủ thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, quyết tâm thực hiện và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà đại hội đảng các cấp đã đề ra xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Tiếp đó, ông Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh uỷ, thay mặt cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh lên phát biểu cảm tưởng, ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương. 

 

Đại diện cho thế hệ trẻ và tương lai của Bình Định, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, phát biểu nguyện sẽ lấy truyền thống, bản sắc của dân tộc, quê hương làm điểm tựa, lấy nhiệt huyết và trí tuệ thời đại làm hành trang, nguyện đem nhiệt huyết, tài năng và sức trẻ xung kích để góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng trong tỉnh.

15 cá nhân sinh năm 1975 có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội nhận Bằng khen của UBND tỉnh.  

Tại buổi lễ, 15 cá nhân sinh năm 1975 cũng đã nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

 

Sau Lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh là chương trình biểu diễn nghệ thuật thuật tổng hợp với chủ đề văn nghệ "Bài ca chiến thắng- Bình Định 40 năm xây dựng và phát triển". Chương trình do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng từ ý tưởng kịch bản văn học của Nguyễn Thị Thu Hằng (Trung tâm Văn hóa tỉnh).

  

Một tiết mục trong chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp.

Các tiết mục của chương trình đưa người xem trở về “một thời rực lửa” khi Quy Nhơn là điểm diễn ra 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc. Ca sĩ Cao Minh (TP Hồ Chí Minh) cất lên lời ca vang vọng, giàu cảm xúc về “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ”. Đây là những cuộc chia ly vì nghĩa lớn, mang theo khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc.

 

Cảnh quân và dân Bình Định đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, viết nên những trang sử hào hùng được các diễn viên múa tái hiện trên sân khấu, cùng hình ảnh tư liệu về các cuộc khởi nghĩa, chiến thắng vang dội thể hiện qua màn hình Led góp phần nâng cao hiệu ứng cảm xúc người xem.

 

Bài hát đi cùng năm tháng “Gửi má Bình Định” tạo “điểm nhấn cảm xúc” trong cảnh diễn thể hiện niềm vui sum họp ngày giải phóng: “Con nghe biển sóng reo bờ Quy Nhơn. Má ơi! Má ơi! Vui sướng nào hơn bình minh đã gọi vầng dương sáng lên rồi”.

 

Chương 2 của chương trình nghệ thuật có chủ đề “Chung tay xây dựng quê hương Bình Định”, thể hiện sự đoàn kết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã bắt tay ngay vào cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương. Trong giai điệu nhẹ nhàng của ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, các diễn viên múa đã thể hiện hình ảnh cánh đồng lúa vàng trĩu bông, vụ mùa thu hoạch bội thu…đem đến cảnh thanh bình, no ấm sau ngày giải phóng. Ca sĩ Thùy Dung và các diễn viên Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đã làm cho sân khấu rộn ràng trong hoạt cảnh diễn không khí nhộn nhịp của “Bãi biển quê ta”, một sáng tác của cố NSƯT Hoàng Lê dựa trên những chất liệu dân ca liên khu V,  thể hiện cảnh lao động sinh hoạt của người dân miền biển đã được thi vị hóa đong đầy tình cảm lứa đôi: “Ngó về Quy Nhơn chập trùng phố xá. Ngó ra biển cả thì lưới giả giăng hàng. Đêm qua anh gối tay nàng. Ngày mai ra biển, anh gối đàn dây neo…”.  

 

Trong tiết mục song ca một bài hát ý nghĩa về bảo vệ, trồng rừng của ca sĩ Nguyên Trường – Tương Phùng, những những chiếc lá xanh xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu, như thể hiện tinh thần vượt khó của cán bộ và nhân dân khắc phục sự tàn phá môi trường rừng của bom đạn chiến trang, để những mầm sống tốt tươi đang ngày càng đâm chồi nảy lộc trên quê hương Bình Định. 

 

“Điểm nhấn” của chương 2 là cảnh các bạn trẻ tay cầm dải lụa đỏ nhảy múa trên nền nhạc ca khúc “Ngọn lửa trái tim” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Hình ảnh các đoàn viên thanh niên kết thành khối hình tròn “rực lửa” ở phần kết hoạt cảnh khơi khí thế của các thế hệ thanh niên, đoàn viên trên quê hương Bình Định từ sau giải phóng đến nay đã đang và sẽ luôn ghi nhớ để “giữ lửa” truyền thống cách mạng, noi gương cha ông để cùng đoàn kết xây dựng quê hương phát triển.

 

Xem chương trình, ông Nguyễn Văn Hải (61 tuổi), một cán bộ hưu trí ở phường Nguyễn Văn Cừ, tâm sự: Tôi thấy đây là một chương trình nghệ thuật nhẹ nhàng nhưng chuyển tải được ý nghĩa giáo dục truyền thống. Những bài hát không khỏi làm tôi bồi hồi nhớ lại thế hệ thanh niên xung phong chúng tôi sau ngày giải phóng đã cùng nhau đến những vùng khó khăn từng bị chiến tranh tàn phá để giúp bà con ở đó lao động sản xuất, xây dựng quê hương...

 

Phần cuối chương trình nghệ thuật có chủ đề “Tiếp nối truyền thống – Bình Định tự hào đi lên”. Mở đầu là ca khúc rộn ràng “Rủ nhau đi đánh bài chòi” của các diễn viên Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Bài hát mang  ý nghĩa tôn vinh nghệ thuật bài chòi đặc sắc của Bình Định, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện đang đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hồ sơ nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung đề cử UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. Sự xuất hiện của các diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn giới thiệu những nhân vật độc đáo trong tuồng, một loại hình di sản phi vật thể quốc gia khác mà các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhân dân Bình Định đã cùng góp công gìn giữ và phát huy qua bao đời.

Bài hát “Hẹn nhau ta về miền Trung. Về thăm quê hương Bình Định…” như lời mời gọi mọi người về thăm vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra những bậc anh hùng, danh nhân có nhiều đóng góp trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, phát triển văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Đoạn kết chương trình là màn đồng diễn các bài binh khí đặc sắc trong di sản quốc gia võ cổ truyền Bình Định, cùng bài hát “Chào ngày mới trên quê hương Bình Định”, như lời khẳng định truyền thống “đất võ trời văn” sẽ là nền tảng truyền thống vững chắc để quê hương Bình Định ngày càng càng phát triển bền vững trên cơ sở khai thác, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh…

22 giờ 15 phút ngày 31.3, khi tấm bảng có dòng chữ “40 năm Giải phóng Bình Định” bắt đầu rực cháy sáng, pháo hoa bắn rực rỡ trên bầu trời trong hò reo của mọi người. Chương trình Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh đã thành công tốt đẹp, hàng vạn người dự lễ ra về mang theo niềm hân hoan, ước vọng vào một thời kì phát triển “thần tốc” khi triển khai những dự án tầm cỡ quốc gia và quốc trên quê hương đất võ, đất cách mạnh Bình Định anh hùng….

 Theo baobinhdinh.com.vn










Tin nổi bật Tin nổi bật