|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGÀY LÀM VIỆC ĐẦU TIÊN, KỲ HỌP THỨ 5 HÐND TỈNH: Công nghiệp khởi sắc, cần quan tâm bảo vệ môi trường

Ngày 6.12, HÐND tỉnh khóa XII đã khai mạc kỳ họp thứ 5. Sau khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng trình bày báo cáo đánh giá tình hình KT-XH năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, cùng nhiều báo cáo, tờ trình khác, các đại biểu đã thảo luận ở tổ, tập trung đánh giá kết quả điều hành phát triển KT-XH của UBND tỉnh và các sở, ngành.

Các ĐB thảo luận tại tổ chiều 6.12. 


Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Năm 2017, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh ước tăng 6,7%. Trong đó, giá trị nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp, xây dựng tăng 9,7%; dịch vụ tăng 6,7%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.950 tỉ đồng, tăng 13,4% dự toán năm và tăng 7% so với năm 2016.

Đại biểu (ĐB) Trần Văn Trương (Tuy Phước) cho rằng, mặc dù có tăng trưởng ổn định nhưng GRDP không đạt so với kế hoạch (7,7%). “Tôi hy vọng lãnh đạo tỉnh cần có cái nhìn rõ hơn và phải đưa ra những giải pháp, cách thức để đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững”, ĐB Trương nói.

Lý giải về GRDP tăng chậm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng, cho biết: “Năm 2016,  GRDP đạt 7,5% là do Cục Thống kê công bố, sau đó qua rà soát lại chỉ còn 6,5%. Cho nên, năm 2017 tăng 6,7% vẫn là tăng hơn so với năm 2016”.  

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú bày tỏ sự phấn khởi trước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% (kế hoạch là 8%) và nhận xét đây là mức tăng trưởng cao so với 5 năm trở lại đây, cho thấy sản xuất công nghiệp đang phục hồi. Bên cạnh đó, thu ngân sách cũng tăng hơn 13% so với kế hoạch đề ra. “Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư, thu hút thêm các DN lớn để dẫn dắt các DN khác, vì hiện nay, đầu tư vào tỉnh chủ yếu là DN vừa và nhỏ”, ĐB Võ Đình Thú góp ý.

Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, Bình Định là một trong những tỉnh có quy mô phát triển kinh tế lớn so với các địa phương khu vực miền Trung. Về tổng thể, sự phát triển KT-XH chung của tỉnh tương đối tốt với nhiều tín hiệu mới từ ngành công nghiệp. Nhờ đó, thu ngân sách của tỉnh đạt xấp xỉ 7.000 tỉ đồng.

Tuy vậy, ĐB Nguyễn Giờ (Hoài Nhơn) vẫn phàn nàn về một số hạn chế trong phát triển kinh tế, đã liên tục được đề cập trong các kỳ họp HĐND nhưng vẫn chưa có giải pháp đột phá để giải quyết, như: Nền kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, một số dự án triển khai chậm so với tiến độ nhưng chưa được xử lý kiên quyết… “Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế chậm có một phần nguyên nhân từ việc triển khai các dự án không đúng tiến độ. Điều này dẫn đến giảm tốc độ phát triển du lịch, gây lãng phí rất lớn về đất đai, nguồn nhân lực và khó khăn cho người dân trong vùng dự án”, ĐB Giờ nói.

Ðừng để “rừng hết, sông chết, biển tiêu”

Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, trong năm 2017, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép là 83,7 ha (giảm 74,2 ha so với năm 2016); đã xảy ra 53 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 102,7 ha (giảm 161,7 ha so với năm 2016). ĐB Trần Văn Trương (Tuy Phước) nêu vấn đề: “Báo cáo UBND tỉnh đưa ra là tỉ lệ che phủ rừng đạt 52,7%, tăng 0,2 % so với năm 2016. Nhưng năm nay để xảy ra nhiều vụ phá rừng mà giải pháp xử lý vẫn chưa thấy hiệu quả”.

ĐB Hồ Sĩ Dũng (Hoài Ân) cho rằng, hiện nay toàn tỉnh có 63 khu, cụm công nghiệp nhưng chỉ có 12 khu, cụm công nghiệp đã hoàn thiện về hạ tầng. Trong đó, chỉ có 7 khu, cụm công nghiệp đạt yêu cầu về hệ thống xử lý nước thải. Điều này cho thấy, việc quan tâm đến vệ sinh môi trường còn lơ là, hạn chế.

“Đừng để rừng hết, sông chết, biển tiêu” là sự trăn trở của ĐB Nguyễn Thanh Trà (Tây Sơn), khi nói về thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay. ĐB Trà cho rằng, tỉnh cần có cơ chế quản lý, giám sát, xử lý chặt chẽ và cương quyết trong vấn đề quản lý, cấp phép khai thác cát, đá. Cần làm rõ có hay không lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong việc cấp phép và khai thác khoáng sản, nhất là khai thác cát một cách ồ ạt như hiện nay.

ĐB Phạm Trương (Hoài Nhơn) đề nghị Sở TN&MT rà soát lại tất cả các dự án đã cấp phép khai thác đất, cát. Tại huyện Hoài Nhơn, mỏ cát được cấp phép khai thác dọc theo bờ sông rất nhiều, dễ gây sạt lở. “Theo quy định của tỉnh, mỏ cát phải dành lại một phần cho địa phương nhưng địa phương lại rất lúng túng không biết ai chủ trì việc này, trong khi đó, giao mỏ là trách nhiệm của Sở TN&MT”, ĐB Trương băn khoăn.

Về vấn đề này, ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn) nhấn mạnh: “Trước đây, các địa phương làm việc không bài bản. Cứ nơi nào có diện tích rộng thì quy hoạch thành cụm công nghiệp, không tính đến việc xử lý nước thải. Qua các cuộc tiếp xúc, các cử tri rất bức xúc về ô nhiễm môi trường. Do đó, các địa phương nên tính toán cho kỹ bài toán xử lý môi trường trước khi thành lập cụm công nghiệp”.

 Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật