A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 16/6/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 24/2021/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định.

Sở Tư pháp có trụ sở tại địa chỉ 139 Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn.

Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; pháp chế; chứng thực; nuôi con nuôi; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác tư pháp khác và dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định pháp luật.

Sở Tư pháp có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế của UBND tỉnh theo thẩm quyền; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Về cơ cấu tổ chức và biên chế, Sở Tư pháp có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc Sở Tư pháp là người đứng đầu Sở Tư pháp, do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm; là Ủy viên UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp; việc chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên UBND tỉnh theo Quy chế làm việc và phân công của UBND tỉnh và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở, giúp Giám đốc Sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc Sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy nhiệm thay Giám đốc Sở điều hành các hoạt động của Sở; Phó Giám đốc Sở không kiêm nhiệm người đứng đầu các phòng, đơn vị trực thuộc sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và theo tiêu chuẩn chức danh do Bộ Tư pháp quy định. Việc miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp có 05 phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở, gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Theo dõi thi hành pháp luật; Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn có 05 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở, gồm: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; Phòng Công chứng số 1; Phòng Công chứng số 2; Phòng Công chứng số 3. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Biên chế công chức, số lượng người làm việc của Sở Tư pháp được giao, phê duyệt trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số biên chế công chức, tổng số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Việc bố trí sử dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động của Sở Tư pháp theo đúng vị trí việc làm, định mức biên chế công chức, định mức số lượng người làm việc, tiêu chuẩn ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và theo phẩm chất, năng lực, sở trường, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật.

Quyết định số 24/2021/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021 và thay thế Quyết định số 2581/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định và Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 19/01/2018 của UBND tỉnh về việc sửa đổi quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 2581/QĐUBND ngày 24/7/2015 của UBND tỉnh./.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật