A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất đậu phụng giống cung ứng cho dự án liên kết chuỗi: Tạo đột biến với giống L14

Nhiều năm qua, giống đậu phụng mà nông dân trong tỉnh thường dùng là giống cũ, thoái hóa; bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác cũng lạc hậu, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, nên năng suất cây đậu phụng chưa cao. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã quyết tâm làm thay đổi hiện trạng này.

Hiện nay, Bình Định có khoảng 9.850 ha canh tác đậu phụng, năng suất bình quân khá thấp. Phẩm cấp sản phẩm thấp cũng khiến đầu ra tương đối khó khăn; hiện tượng “được mùa mất giá” khiến thu nhập của nông dân bấp bênh, hiệu quả kinh tế chưa cao. Chủ trương của tỉnh là xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định; gắn với liên kết chuỗi, nhằm đảm bảo nâng cao giá trị cho các bên tham gia liên kết và sản xuất bền vững.

Hội thảo đầu bờ về giống đậu phụng L14 tại thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát.

Để làm được điều này, điểm then chốt là sử dụng giống mới và ứng dụng tiến bộ KHKT trong thâm canh giống đậu phụng mới. Việc kết hợp cùng lúc cả hai yếu tố không những giúp năng suất đậu phụng tăng lên mà còn nâng cao phẩm chất hạt, giúp nông dân dự trữ được hạt giống đạt yêu cầu để làm giống cho vụ sau. Từ nguồn kinh phí khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát thực hiện mô hình “Sản xuất đậu phụng giống để cung ứng cho dự án liên kết chuỗi” trong vụ Hè Thu năm 2020 tại thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, diện tích 5 ha, có 40 hộ tham gia, dùng giống đậu phụng cao sản L14.

Mới đây, tại hội thảo đầu bờ về mô hình trên, các đại biểu cũng như nông dân trực tiếp canh tác đánh giá rất cao giống đậu phụng L14 với các ưu điểm vượt trội: Khả năng sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu các yếu tố ngoại cảnh khá, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Về năng suất, ngay ở lần sản xuất thử nghiệm, giống đậu phụng L14 đã cho mức thu hoạch 36,2 tạ/ha, cao hơn khá nhiều so với giống đậu phụng đối chứng chỉ ở mức 29,2 tạ/ha. Bên cạnh đó, giống đậu phụng này còn giúp cải tạo độ phì của đất, tiết kiệm nước tưới...

Mô hình sản xuất đậu phụng L14 vụ Hè Thu năm 2020 có tổng thu 83,26 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 35,73 triệu đồng, cao hơn 16,23 triệu đồng/ha so với sản xuất đậu phụng sẻ trên cùng chân đất đối chứng, trong cùng điều kiện canh tác. Hiệu quả kinh tế mô hình còn được ghi nhận ở chỗ, giống đậu phụng L14 phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với điều kiện nắng hạn, thiếu nước tại địa phương.

Mô hình “Sản xuất đậu phụng giống để cung ứng cho dự án liên kết chuỗi” nhằm tăng diện tích gieo trồng, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, nắng hạn gay gắt đã và đang diễn ra hiện nay. Với những thành công bước đầu này, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp với một số địa phương khác nhân rộng mô hình thâm canh giống đậu phụng L14, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.           

Theo MINH TIẾN (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật