|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 19/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án 567. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng tham dự hội nghị.

Điểm cầu Bình Định

Thực hiện Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược); Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014-2020 (Đề án 567) và Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã giam gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 trí thức trẻ), trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Chiến lược và các Đề án đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Qua 10 năm triển khai thực hiện, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thanh nhiên có nhiều chuyển biến tích cực. Về cơ bản, các chỉ tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đều đạt kế hoạch đề ra. 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên và triển khai thực hiện có hiệu quả 06 mục tiêu: (1) Giáo dục thanh niên về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. (2) Nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ và tin học, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thanh niên. (3) Phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, gắn với nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. (4) Đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng tài năng trẻ, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ giỏi trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế. (5) Giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên. (6) Nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho thanh niên.

Đến nay, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã đi vào nền nếp, dần khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức đoàn thanh niên hoặc “khoán trắng” cho tổ chức đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược.

Đề án 567: Bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ

Bộ Nội vụ đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý biên soạn Bộ tài liệu gồm những nội dung cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, hành chính nhà nước và quản lý nhà nước; một số kỹ năng cơ bản dành cho cán bộ, công chức trẻ ở xã; các chuyên đề dành cho cán bộ, công chức trẻ như: xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; Công tác dân vận; Quản lý văn hóa, xã hội, tôn giáo và dân tộc ở xã; Quản lý quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Từ năm 2015 đến năm 2020, đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã, 42 tỉnh trong phạm vi Đề án với tổng kinh phí triển khai thực hiện là gần 29,8 tỷ đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp và đạt 53,7% kinh phí được phê duyệt.

Việc triển khai, thực hiện Đề án 567 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở xã. Thông qua đào tạo bồi dưỡng, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, đã từng bước được nâng cao. Kết quả của Đề án đã góp phần quan trọng vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Chính phủ, giúp Nhân dân tin tưởng vào các cán bộ, công chức trẻ và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính ở xã.

Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Tính đến ngày 31/12/2014, Bộ Nội vụ đã phối hợp với 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án 500 trí thức trẻ hoàn thành công tác tuyển chọn 500 đội viên cho Đề án. Trong đó, 115 đội viên (chiếm 23%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức Văn phòng - Thống kê; 187 đội viên (chiếm 37,4%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức Địa chính - Nông nghiệp -Xây dựng và Môi trường; 45 đội viên (chiếm 9%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức Tài chính - Kế toán; 71 đội viên (chiếm 14,2%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch; 82 đội viên (chiếm 16,42%) có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức V ăn hóa - Xã hội.

Trong 500 đội viên, có 284 đội viên (chiếm 56,8%) là người dân tộc Kinh và 216 đội viên (chiếm 43,2%) là người dân tộc thiểu số (Thái, Mường, Tày, Mông, Nùng, Dao, Chăm, Ca Dong, Kor, Hre, Raglai….). Trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số tham gia Đề án chiếm gần 50% là thuận lợi rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của đội viên Đề án ở vùng dân tộc, miền núi, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đối với người dân tộc thiểu số.

Sau 5 năm tham gia Đề án, các đội viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; phát huy vai trò tham mưu trong lĩnh vực công tác chuyên môn; đề xuất xây dựng, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con nhân dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng (baochinhphu.vn)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao các kết quả và thành tích của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có vai trò chủ trì, tích cực của Bộ Nội vụ đã đạt được trong việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam cũng như việc tổ chức thực hiện các Đề án, Dự án, chính sách liên quan đến thanh niên, đến đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện.

Trong thời gian đến, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế xã hội ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với Đề án 567, Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng, tránh trùng lặp với các chương trình, đề án của các bộ, ngành đang triển khai hiện nay, trong đó chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xác định rõ về nội dung, chương trình, nguồn kinh phí; tập trung ưu tiên việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài, kỹ năng sống, hoạt động hướng nghiệp, bảo đảm thiết thực, phát huy bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc thù địa phương.

Đối với Đề án 500 trí thức trẻ, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác. Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định luật. Còn những địa phương chưa có phương án bố trí, sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan đề xuất Chính phủ phương án cụ thể.

 “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, cùng quan tâm định hướng, giáo dục, bồi dưỡng, phát huy và phát triển thế hệ thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới góp phần xây dựng nền hành chính, nền công vụ thống nhất, trong sạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật