A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021

(binhdinh.gov.vn)-Sáng 11/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tham dự Hội nghị.

Quang cảnh điểm cầu Bình Định

Năm 2020, với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt. Các lĩnh vực xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Điển hình là việc đổi mới trong xét công nhận hồ sơ người có công. Ngành cũng rất chủ động giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đột xuất, mới phát sinh, đặc biệt trong năm 2020 với những vấn đề chưa xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp như đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và đón người hết hạn về nước; góp phần giữ ổn định ở mức tương đối hoạt động sản xuất của các DN; đưa những gói hỗ trợ của Nhà nước đến những đối tượng bị ảnh hưởng nhanh nhất có thể; khắc phục hậu quả “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ở miền Trung trong tháng 10, tháng 11/2020.

Ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện một bước quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế. Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Thực hiện tốt các chính sách với người có công với cách mạng, đời sống người có công được nâng lên. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, bình quân giảm 1,43%/năm. Thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được quan tâm cả về chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nguồn lực. Các quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường, cách tiếp cận ứng xử với vấn đề nghiện ma túy và mại dâm dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người. Các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, kiểm soát và bảo đảm trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.

Năm 2021 đạt mục tiêu bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt và thích ứng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ "hậu Covid"; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Tập trung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhất là khi mà một số vấn đề mới như chính sách tiền lương, kéo dài tuổi nghỉ hưu, vấn đề phát triển các quan hệ lao động, hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp đã được quy định tại Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công nhất là sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi có hiệu lực thi hành; quan tâm, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Bảo vệ và kiên quyết xử lý các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em và phụ nữ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng những kết quả Bộ LĐTBXH đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ vừa qua là rất toàn diện, đáng khích lệ. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTBXH phải tăng cường phối hợp, điều phối không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, đoàn thể trong hệ thống chính trị mà đặc biệt với các tổ chức xã hội, DN, cá nhân có lòng hảo tâm để tạo thành mạng lưới đưa thành quả của sự phát triển đến được với mọi người dân, đặc biệt là người yếu thế; đẩy mạnh vai trò quan trọng trong phát hiện, tổng hợp, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, “điểm tựa kết nối” tất cả các lực lượng cùng chung tay xây dựng và triển khai chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, phát triển nguồn nhân lực…; đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rà soát lại toàn bộ các chương trình, chế độ, chính sách, từng bước nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp thường xuyên, không thường xuyên; mở rộng diện chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện; xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý từ đó “lọc ra chính sách mới”; đổi mới mạnh mẽ công tác cai nghiện, đặc biệt là khi cả thế giới vẫn chưa có liệu trình điều trị, cai nghiện hiệu quả đối với người nghiện ma túy tổng hợp về mặt y học một cách chính thống; siết chặt quản lý các cơ sở cai nghiện tập trung;…

LKY

 


Tin nổi bật Tin nổi bật