Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, xảy ra ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ chết cao lên đến 100%, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy bệnh không lây sang người và các loại gia súc khác nhưng hiện vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị.
Đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 2.605 xã, 232 huyện của 34 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy gồm 1,5 triệu con. Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, phòng chống dịch bệnh ngay từ khi phát hiện bệnh DTLCP tại Việt Nam, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp phát sinh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương cho rằng: bệnh DTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng bệnh nên rất khó kiểm soát. Vì vậy, dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lan rộng đến các tỉnh lân cận. Các ngành chức năng cũng chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra giải pháp trong công tác phòng chống bệnh DTLCP trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đánh giá cao các cơ quan liên quan, người dân, đã vào cuộc quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Tình hình bệnh DTLCP còn diễn biết phức tạp, chưa biết dịch lây qua hình thức nào, rất khó kiểm soát. Ngay và trong thời gian này, đồng chí chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo, các ngành chuyên môn cùng các địa phương không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ, các giải pháp, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dập dịch. Theo đó, phát hiện sớm dịch bệnh, báo cáo để kịp thời xử lý; xác định địa điểm tiêu hủy trước khi chưa có dịch bệnh để chủ động là nhiệm vụ trước tiên trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp đem heo dịch vứt không đúng nơi quy định làm ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh; nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không qua kiểm dịch và không rõ nguồn gốc. Tăng cường hoạt động của các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, nghiêm cấm nhập lợn tái đàn; thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc lưu thông trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ vaccine cho đàn heo nuôi gia đình; định kỳ vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại và thực hiện tốt biện pháp “5 không” (không giấu dịch; không mua bán; vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt)...
Thùy Trang