A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tưng bừng Lễ hội đô thị nước mặn

(binhdinh.gov.vn) - Đến hẹn lại lên, trong các ngày 16/3 – 17/3 (tức 29 tháng Giêng - mùng 1 tháng 2 âm lịch), huyện Tuy Phước đã tổ chức Lễ hội đô thị Nước Mặn tại Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu Thánh mẫu tại thôn An Hòa, xã Phước Quang.

Đoàn khiêng kiệu chuẩn bị khởi hành. 

Lễ hội Đô thị Nước Mặn là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời sớm nhất ở Bình Định cách đây 4 thế kỷ. Kể từ khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến dong thuyền sang xin chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) ở thôn An Hòa để thờ cúng.

 Lễ hội được tổ chức ở chùa Bà, vùng trung tâm cảng thị thuở trước, nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - vợ của Trời, là một nhân vật huyền thoại đã có công cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển khơi. Với tinh thần nhân văn cao cả, người đàn bà họ Lâm tên là Mị Châu, dân gian thường gọi Lâm Nương Nương được các tàu thuyền đặt bàn thờ đầu mũi cúng vái mong bà che chở cho khi vào lộng ra khơi. 

Chùa Bà hiện thờ các vị: Thiên Mẫu thánh hậu, bà Thai Sanh (12 bà mụ) và Thành hoàng làng. Hàng năm, người dân vùng này đều tổ chức lễ hội và duy trì cho đến ngày nay. Chùa Bà đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa vào tháng 3.2011.

Nghi thức rước các biểu trưng Ngư, Tiều, Canh, Mục về chùa Bà. 

Phần nghi lễ được tái hiện trang trọng với gần 200 người tham gia gồm ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội bưng lễ vật, đội cờ và 20 phu kiệu (trong đó kiệu chính rước sắc; 4 kiệu còn lại rước các biểu trưng Ngư, Tiều, Canh, Mục). Đoàn hành lễ được đội lân dẫn đầu, Nghi thức đầu tiên là hình thức rước các biểu trưng trên đường phố để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng sình lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất ở miền cực nam nước ta thời bấy giờ. Những hình người như kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… được cung kính đặt lên kiệu nối theo nhau khiêng đi.

Xong phần nghi lễ tại chùa Ông, đoàn quay lại chùa Bà làm lễ nghinh thần nhập điện. Cúng lễ xong, đoàn hành lễ tiếp tục khởi hành đến các miếu thờ  như: thần Hỏa, Thành hoàng làng, thần Hổ làm lễ cúng, rước nhập điện.

Trong thời gian 5 ngày diễn ra Lễ hội đô thị Nước Mặn, ngoài phần lễ còn có phần hội với các trò chơi dân gian như: đánh bài chòi cổ, múa lân, biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền và hát bội… thu hút rất đông khách thập phương trong và ngoài huyện tham gia./.

 

Tin, ảnh: Xuân Thức 


Tin nổi bật Tin nổi bật