“Năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06”
(binhdinh.gov.vn) - Đó là một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc liên quan đến trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh trong nội dung “Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo” được ban hành kèm theo Quyết định số 76/QĐ-BCĐ ngày 21/5/2024 của Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh
Ngoài vấn đề mang tính nguyên tắc nêu trên, “Quy chế làm việc” quy định các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ phiên họp, hội nghị, làm việc và các hoạt động khác của Ban Chỉ đạo theo đúng thành phần được mời. Trường hợp bận công tác, xử lý các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hơn thì phải trực tiếp báo cáo, xin ý kiến đồng ý của Trưởng Ban Chỉ đạo trước khi phân công cho Cấp phó thay mặt tham dự và không được cử Lãnh đạo cấp phòng thay mặt tham dự.
Nội dung “Quy chế làm việc” phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo gắn với công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm. Theo đó, trên cơ sở xem xét khối lượng, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm công việc hoàn thành so với các nhiệm vụ được phân công cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các thành viên Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo – Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối, phối hợp với các Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo tổng hợp, tham mưu, đề xuất việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các thành viên Ban Chỉ đạo theo quy định tại Quy chế làm việc.
Quy chế làm việc cũng quy định Ban Chỉ đạo họp phiên định kỳ hằng quý, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm hoặc họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo. Thời gian và thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định. Trong thời hạn 01 ngày trước thời điểm diễn ra phiên họp, hội nghị, làm việc của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo phải xác nhận việc tham dự cho Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) – Cơ quan thường trực công tác điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo (bằng văn bản hoặc qua hộp thư điện tử kstt@vpub.binhdinh.gov.vn) để tổng hợp, báo cáo chung cho Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Để tổ chức triển khai thực hiện Quy chế làm việc, Trưởng Ban Chỉ đạo - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm quán triệt các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo để đôn đốc, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý. Chủ động phối hợp với các Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý, giải quyết những tồn tại, hạn chế và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tham dự các cuộc họp hoặc cử cán bộ có đủ thẩm quyền tham dự; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo đề nghị của Ban Chỉ đạo.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 22/4/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh trên cơ sở hợp nhất các Ban Chỉ đạo của UBND tỉnh về: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06.
Ban Chỉ đạo sau khi hợp nhất là 27 thành viên; do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các Phó Trưởng ban bao gồm: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (Phó Trưởng ban Thường trực), Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Phó Trưởng ban phụ trách công tác điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban phụ trách công tác thực hiện Đề án 06; Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng ban phụ trách công tác Cải cách hành chính và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban phụ trách công tác Chuyển đổi số. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo bao gồm Thủ trưởng của hầu hết các cơ quan trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo bao gồm 4 Cơ quan thường trực: Văn phòng UBND tỉnh (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) thường trực công tác điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo, Sở Nội vụ thường trực công tác Cải cách hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông: thường trực công tác Chuyển đổi số và Công an tỉnh thường trực công tác thực hiện Đề án 06.
Ban Chỉ đạo thành lập 03 Tổ giúp việc chuyên trách về: Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 để theo dõi, quản lý và tham mưu, đề xuất việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao./.