Một số kết quả đáng chú ý sau hơn 1 năm tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bình Định đã mang lại một số kết quả hết sức tích cực
Các điểm nghẽn của Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ xác định tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 bao gồm: (i) thể chế; (ii) hạ tầng công nghệ thông tin; (iii) dịch vụ công trực tuyến; (iv) dữ liệu và (v) nguồn lực. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 27/4/2023 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2024 về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của tỉnh họp định kỳ 3 tháng/lần, Tổ giúp việc Đề án 06 của Ban Chỉ đạo họp định kỳ 1 tháng/lần; Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị toàn tỉnh sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tháo gỡ đối với từng nội dung điểm nghẽn của Đề án 06. Một số kết quả đạt được như sau:
(i) Về hoàn thiện thể chế:
- HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 sửa đổi, bổ sung 04 Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 27/7/2023 sửa đổi, bổ sung 09 Quyết định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đảm bảo theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
- UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND ngày 22/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Quyết định quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử gắn với việc khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo theo các quy định hiện hành của Trung ương.
- HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết và UBND tỉnh đã ban hành 02 Quyết định quy phạm pháp luật quy định việc giảm phí và lệ phí đối với 53 thủ tục hành chính nếu sử dụng dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ.
- Ngoài ra, Bình Định đã chủ động thực hiện rà soát và ban hành văn bản kiến nghị 10 Bộ, ngành Trung ương xem xét theo thẩm quyền đối với 65 TTHC được các văn bản pháp luật của Trung ương quy định người dân phải nộp bản sao CMND hoặc CCCD; nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy hoặc Giấy xác nhận cư trú.
(ii) Về hạ tầng công nghệ thông tin:
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai rà soát, khắc phục, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đảm bảo theo Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 và Công văn số 708/BTTTT-CATTT ngày 02/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn kỹ thuật, an toàn, an ninh mạng trong công tác triển khai Đề án 06, nhất là tại cấp huyện, cấp xã. Đến nay, qua kiểm tra, Bộ Công an đánh giá hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh đã đáp ứng yêu cầu, đảm bảo phục vụ cho việc thực hiện Đề án 06 theo quy định.
(iii) Về dịch vụ công trực tuyến:
- UBND tỉnh đã giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với từng thủ tục hành chính đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Đến nay, tỉnh Bình Định đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 1029 TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần đối với 786 TTHC; còn lại 211 TTHC chưa thể triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến do vướng các quy định pháp luật của Trung ương; đồng thời, triển khai cung cấp thanh toán trực tuyến đối với 100% TTHC có quy định việc thu phí, lệ phí. Theo số liệu từ Cổng Dịch vụ công quốc gia: tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt 55,2% trong năm 2023 và đạt 78% trong 6 tháng đầu năm 2024. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 70,03% trong năm 2023 và đạt 79.06% trong 6 tháng đầu năm 2024.
- Ngoài ra, UBND tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến: (i) ban hành Đề án “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2022 – 2027” và giao cho lực lượng đoàn viên thanh niên tổ chức thực hiện; (ii) Quyết định giao các chỉ tiêu liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến hằng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và định kỳ công khai kết quả thực hiện hằng tháng; (iii) thường xuyên rà soát, tái cấu trúc, cải thiện chất lượng các dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với các thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp (điển hình là thủ tục Chứng thực, các thủ tục Giao dịch đảm bảo); (iv) thường xuyên cải tiến, nâng cấp “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp lẫn phía các cơ quan nhà nước; (v) Ban hành danh mục 161 TTHC thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh….
(iv) Về dữ liệu:
- Đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý dữ liệu trên địa bàn tỉnh, như: “Quy chế quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Bình Định (ban hành kèm theo Quyết định số 51/2022/QĐ-UBND ngày 16/8/2022 của UBND tỉnh), “Quy chế khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 60/2021/QĐ-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh), các Quy chế về chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu trên các lĩnh vực Vận tải (Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND), lĩnh vực Nhà ở và thị trường bất động sản (Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND), lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường (Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 71/2023/QĐ-UBND), lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức…
- UBND tỉnh đã giao Sở Thông thông và Truyền thông tập trung hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh công tác xây dựng, vận hành, quản lý, sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và ban hành chính sách, ra quyết định quản lý dựa trên dữ liệu điện tử, dữ liệu số. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 phê duyệt 17 cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh…
- Đẩy mạnh việc tích hợp kết nối, liên thông với “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, với “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” đã hoàn thành việc tích hợp, kết nối với 24 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ cho công tác giám sát việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
- Trong tháng 4/2024, tỉnh Bình Định đã hoàn thành xong công tác số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đây là cơ sở dữ liệu quan trọng, phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình các thủ tục hành chính thiết yếu của người dân, như: Đăng ký kết hôn, Xác nhận tình trạng hôn nhân…
(v) Về nguồn lực:
- Kể từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí từ ngân sách số tiền 19.123.000.000 đồng để phục vụ cho công tác triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06; trong đó, riêng trong năm 2024 đã bố trí 6.791.000.000 đồng.
- Năm 2023, tỉnh Bình Định đã tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho trên 8.650 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó, có tổ chức 02 khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho hoạt động giám sát an toàn thông tin mạng, đánh giá (kiểm định) chất lượng của các hệ thống mạng; mức độ an toàn và bảo mật của các hệ thống thông tin. Đội ngũ công chức, viên chức làm công tác về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng hiện nay tại các cơ quan, đơn vị, địa phương về cơ bản đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và khung năng lực công tác./.