|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ðiện lực Bình Ðịnh đẩy mạnh chuyển đổi số

Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực năng lượng, Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh tập trung tối ưu hóa và tự động hóa hệ thống quản lý, điều hành mạng lưới điện, đảm bảo cung ứng điện đạt hiệu suất tốt nhất.

Để làm được như thế, Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) chú trọng cải tiến và hiện đại hóa hệ thống quản lý, lưới điện, tích cực ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, như: Hệ thống quản lý thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển từ xa SCADA; trạm biến áp (TBA) 110 kV vận hành không người trực; hệ thống thu thập thông tin chỉ số từ xa RF-Spider; sửa chữa điện nóng (hotline); đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Trung tâm điều khiển hệ thống điện Bình Định.

Ông Thái Minh Châu, Giám đốc PC Bình Định, cho biết: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản trị, kinh doanh điện năng đã góp phần giúp PC Bình Định “Thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả” trong điều kiện hiện nay. Mọi thông số vận hành, cảnh báo sự cố được kết nối về Trung tâm điều khiển qua hệ thống điều hành SCADA. Điều đó, giúp giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, tăng độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác đóng cắt từ trung tâm điều khiển các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố, gây mất an toàn.

Theo thống kê của PC Bình Định, đến nay, 9/9 Điện lực của đơn vị đã hoàn thành 100% việc lắp đặt công tơ điện tử được đo xa bằng hệ thống RF-Spider. Cả tỉnh có trên 468.182 khách hàng ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) với công ty dưới 2 hình thức: Số hóa (dữ liệu, văn bản, thông tin, hình ảnh bản cứng trên giấy được chuyển thành dạng hình ảnh hoặc PDF để lưu trữ) và phương thức điện tử hóa. Gần đây, PC Bình Định đã cho chuyển 143.440 HĐMBĐ sinh hoạt số hóa sang hình thức hợp đồng điện tử (35%), dự kiến đến tháng 5.2023 sẽ hoàn thành 100%.

Ông Nguyễn Minh Kỳ, 56 tuổi, ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cho biết: Tháng 10 vừa qua, tôi cùng người dân trong thôn được Điện lực Tuy Phước ký lại HĐMBĐ bằng phương thức điện tử. Nhờ đó, tôi không còn đi nộp tiền điện trực tiếp tại quầy nữa mà có thể nhận thông báo qua tin nhắn SMS, Zalo và chọn cách thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi nhất. Đặc biệt, lịch cắt điện cũng được báo trước vài ngày nên tôi có thể dễ dàng bố trí nhân công làm việc tại cơ sở sản xuất của tôi chứ không bị động như trước nữa.

Còn ông Từ Văn Tổng, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, chia sẻ: Gia đình tôi sinh sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng có nhà vườn ở thị trấn Tăng Bạt Hổ. Mọi năm, tôi phải nhờ người thanh toán tiền điện hộ thì nay đăng ký qua tin nhắn, thanh toán qua ví điện tử Momo hoặc qua ủy nhiệm thanh toán bởi ngân hàng, đã tiện lợi lại không tốn phí.

Việc vận dụng mạng xã hội Zalo OA, trang web vào chăm sóc khách hàng giúp PC Bình Định phục vụ khách hàng mọi lúc mọi nơi; cho phép khách hàng bất cứ lúc nào cũng có thể truy xuất dữ liệu về mức độ sử dụng điện của gia đình, biến động thanh toán và nhận những thông báo liên quan… Đặc biệt, toàn bộ yêu cầu sửa chữa của khách hàng được thực hiện đúng theo cam kết.

Theo ông Thái Minh Châu, để đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi số, PC Bình Định tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao để làm thay đổi sâu sắc nhận thức của người lao động về chuyển đổi số, từng bước hình thành tư duy số, văn hóa số trong cán bộ, nhân viên. Tiếp tục rà soát thực hiện dứt điểm khâu số hóa dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về khách hàng, dữ liệu đo đếm, thông tin thiết bị, thông số vận hành để phục vụ cho giai đoạn số hóa quy trình và triển khai áp dụng công nghệ số. Hoàn thiện hạ tầng số và nhân lực số, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chuyển đổi số trong giai đoạn mới.     


Tác giả: HẢI YẾN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật