|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với ngập lụt

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 30/11, Đoàn công tác Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh do đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả với ngập lụt tại 5 huyện, thị xã trong tỉnh. Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, và địa phương liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chỉ đạo khắc phục sự cố nhiều trụ điện đường dây 22KV bị gãy đổ tại huyện Vân Canh

Mưa lớn trong những ngày qua đã làm 11 trụ điện đường dây 22KV tuyến Phú Tài, Vân Canh bị gãy đổ, hơn 30.000 hộ dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vân Canh bị mất điện hoàn toàn từ chiều 29/11. Ngay khi sự cố xảy ra Công ty Điện lực Bình Định đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, đồng thời yêu cầu Điện lực Phú Tài trong chiều nay phải khắc phục xong sự cố, có điện trên toàn huyện để phục vụ cuộc sống của người dân. Sáng 30/11, đến kiểm tra công tác khắc phục sự cố nhiều trụ điện đường dây 22KV bị gãy đổ tại huyện Vân Canh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục, đóng điện sớm nhất cho nhân dân sinh hoạt; đồng thời kiểm tra lại hệ thống lưới điện trong toàn tuyến để đảm bảo phòng, chống các sự cố điện thời gian tới.   

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (đội nón trắng) và Đoàn công tác của tỉnh điều động ca nô vào nơi các khu dân cư của xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước có tuyến đường, nhà dân bị ngập sâu trong nước sơ tán dân đến nơi an toàn.

Kiểm tra công tác ứng phó với tình hình mưa lũ tại huyện Tuy Phước, địa phương đang bị ngập lụt lớn với khoảng gần 11.000 nhà dân các xã khu Đông gồm: Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận… nước ngập nhà dân từ 20-40cm, nhiều nơi ngập sâu hơn cả mét. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu lãnh đạo huyện Tuy Phước chỉ đạo UBND các xã, thị trấn bố trí lực lượng chốt chặn không cho người dân qua lại các đoạn đường bị ngập nặng. Khu vực nào nước ngập sâu nguy hiểm phải tổ chức di dời khẩn cấp đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân. Đồng thời, chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo không để người dân vùng bị chia cắt thiếu ăn. Việc sơ tán dân phải đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch COVID-19, bố trí bồn nước, khu vệ sinh tại nơi sơ tán.

UBND phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn đã huy động lực lượng dùng bao cát đắp những đoạn bị sạt lở ngăn không cho nước lũ tràn vào nhà dân

Tại thị xã An Nhơn, mưa lũ trong những ngày qua đã làm cho các xã, phường ngập sâu trong biển nước. Tại thôn An Lợi, phường Nhơn Thành mưa lũ đã làm sạt lở nghiêm trọng hàng trăm mét đường bê tông nông thôn làm nước lũ tràn vào nhà dân. Trong 2 ngày qua, UBND phường Nhơn Thành đã huy động lực lượng dùng bao cát đắp những đoạn bị sạt lở ngăn không cho nước lũ tràn vào nhà dân. Trên tuyến tránh quốc lộ 1 và tuyến quốc lộ 1 (cũ) qua phường Nhơn Thành, Nhơn An, Nhơn Hưng, phường Đập Đá (thị xã An Nhơn) đang ngập sâu trong nước lũ từ 0,5-1m, giao thông bị ách tắc. Trưa ngày 30/11, qua kiểm tra tình hình thực tế, đồng chí Nguyễn Phi Long yêu cầu Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị xã tuyệt đối không được chủ quan trước tình hình mưa lũ; cần chủ động ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” vì mưa lớn có thể tiếp diễn trên địa bàn. Đối với những nơi xung yếu, vùng có nguy cơ sạt lở cần di dời người dân đến nơi an toàn; cử lực lượng túc trực ở những đoạn đường bị ngập nước, không cho người và phương tiện qua lại; chủ động triển khai các phương án ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời quan tâm và có giải pháp hỗ trợ cho các hộ trồng mai phục vụ tết ở địa phương (tổng diện tích hơn 7 ha) trước và sau khi mưa lụt, khi họ đang gặp nhiều khó khăn, thiệt hại.

    

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra các điểm cầu tràn bị ngập tại huyện An Lão

Tại huyện An Lão, mưa lũ trong những ngày qua đã khiến gần 250 ngôi nhà bị ngập nước 0,2-0,3m; ngập tuyến đường đi từ xã An Hòa đi An Quang 0,4-0,5m; 3 điểm cầu tràn xã An Vinh bị ngập, địa phương dùng rào chắn không cho người dân đi qua lại; 3 điểm sạt lở ở tuyến đường đi xã An Toàn. Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của người dân, chiều cùng ngày, tại thực địa kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long yêu cầu huyện An Lão theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực từng xảy sạt lở đất, ngập lụt. Đồng thời bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ. Đối với các địa phương có các vị trí ngầm tràn bị ngập lụt bố trí lực lượng túc trực để cảnh báo giao thông, không cho phép lưu thông qua lại khi nước chưa rút hẳn để tránh thiệt hại về người./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật