Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn làm việc tại huyện Phù Mỹ
Sáng 1.3, đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn dẫn đầu, đi khảo sát thực tế công tác quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 khu vực đầm Trà Ổ và thăm Nhà máy may Phù Mỹ.
Theo UBND huyện Phù Mỹ, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương đã khảo sát và đề xuất giải pháp quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 khu vực Nam đầm Trà Ổ trên tổng diện tích 5.029 ha tại các xã: Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Lợi, Mỹ Thắng theo hướng bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Huyện Phù Mỹ đề xuất xây dựng hạ tầng giao thông dài 17,5 km để phát triển du lịch kết hợp vành đai bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái với diện tích 1.480 ha. Cùng với đó là xây dựng Trung tâm Bảo tồn hệ sinh thái đầm Trà Ổ, trung tâm du lịch cộng đồng tại các xã Mỹ Lợi, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Châu; đồng thời xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khu dịch vụ vui chơi giải trí núi, khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ kết hợp du lịch. Việc quy hoạch đầu tư phát triển đầm Trà Ổ còn đáp ứng yêu cầu giữ nước ngọt, cung cấp nước tưới cho 950 ha đất sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn nước sạch phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Đây là dự án đa mục tiêu, tạo động lực phát triển KT-XH huyện Phù Mỹ. Trước đây, tỉnh giao cho UBND huyện quy hoạch xây dựng đầm Trà Ổ, nhưng quy mô quy hoạch quá rộng lớn, nên huyện đề nghị tỉnh giao cho Sở Xây dựng thực hiện công tác này.
Đại diện UBND huyện Phù Mỹ báo cáo với lãnh đạo tỉnh về định hướng quy hoạch phát triển đầm Trà Ổ. Ảnh: TIẾN SỸ
Khảo sát thực tế tại đầm Trà Ổ, đồng chí Phạm Anh Tuấn đánh giá cao hệ sinh thái và ủng hộ phương án nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển đầm Trà Ổ theo hướng giữ gìn, phát triển hệ sinh thái, kết hợp du lịch, thương mại, dịch vụ.
Đánh giá đầm Trà Ổ là đầm nước ngọt rộng lớn, quan trọng, đồng chí Phạm Anh Tuấn lưu ý các sở, ngành, địa phương phải quản lý chặt diện tích mặt nước, không để người dân, DN tự ý xây bất kỳ hạng mục nào làm phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái trên đầm. Quan điểm của tỉnh là ưu tiên thực hiện dự án này và UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng phối hợp với huyện Phù Mỹ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quy hoạch phát triển đầm Trà Ổ.
Thăm Nhà máy may Phù Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn bày tỏ ấn tượng với giải pháp đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập của người lao động ở Nhà máy. Theo đại diện Nhà máy may Phù Mỹ, năm 2022, Nhà máy đã nộp ngân sách 16 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 1.200 lao động, với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng; dự kiến năm 2023 sẽ nộp ngân sách từ 20 - 21 tỷ đồng. Lợi thế của nhà máy là có thị trường đầu ra ổn định, nên năm 2023, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng xúc tiến đầu tư mở rộng Nhà máy may Phù Mỹ và xây dựng thêm một nhà máy tại xã Mỹ Chánh, giải quyết thêm việc làm cho 1.000 lao động, nhưng việc mở rộng nhà máy gặp trở ngại bởi thời hạn thuê đất không còn nhiều. Công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét, tăng thêm thời hạn cho thuê đất, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh và đóng góp cho địa phương.
Đại diện Nhà máy may Phù Mỹ báo cáo phương án đầu tư, mở rộng nhà máy và kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện giúp DN thực hiện phương án. Ảnh: TIẾN SỸ
Đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, tỉnh ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN, nhất là đối với các DN có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Đồng chí ủng hộ phương án đầu tư mở rộng, xây dựng nhà máy và gia hạn thời gian cho DN thuê đất, đồng thời lưu ý DN phải chú trọng đến công tác xử lý, bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kiểm tra thực tế sản xuất của Nhà máy may Phù Mỹ. Ảnh: TIẾN SỸ
Sau khi khảo sát thực tế công tác quy hoạch khu vực đầm Trà Ổ và thăm Nhà máy may Phù Mỹ, đoàn công tác của tỉnh tiếp tục làm việc với UBND huyện Phù Mỹ về tình hình KT-XH năm 2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Đại diện Nhà máy may Phù Mỹ tiếp nhận quà tặng của đồng chí Phạm Anh Tuấn. Ảnh: TIẾN SỸ
Sau khi khảo sát thực tế tại đầm Trà Ổ và thăm Nhà máy may Phù Mỹ, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, làm việc với UBND huyện Phù Mỹ về tình hình KT-XH năm 2022, triển khai nhiệm vụ 2023.
Báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ cho thấy, năm 2022 tình hình KT-XH của địa phương tiếp tục duy trì và phát triển. Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tăng 6,99% so với năm 2021, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 1.410 tỷ đồng, tăng 19,54% so với cùng kỳ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: TIẾN SỸ
Huyện cũng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035 làm cơ sở, định hướng cho phát triển của huyện. Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục chuyển biến tích cực, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng được đảm bảo.
Tuy vậy, công tác quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; tình trạng khai thác khoáng sản, lấn chiếm đất đai, cất nhà trái phép tại các địa phương vẫn còn xảy ra. Tình trạng khiếu nại, tố cáo trên lĩnh vực đất đai; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi diễn biến phức tạp, nhất là tại các xã tuyến biển, nơi triển khai các dự án đầu tư. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH tại địa phương.
Năm 2023, huyện Phù Mỹ tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đảm bảo tổng giá trị sản phẩm tăng 6,51 - 7,03%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 885,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân 62,31 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 1,09%; tạo việc làm mới cho 2.300 người...
Tại buổi làm việc, UBND huyện Phù Mỹ đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật tại 2 thị trấn Phù Mỹ, Bình Dương và đô thị Mỹ Chánh; UBND tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ giới thiệu thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, dự án mang tính chất động lực; bố trí ngân sách tỉnh xây dựng Trung tâm VH-TT huyện; chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án bến xe Phù Mỹ; đồng ý chủ trương và hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT 639 đoạn Mỹ Chánh - Mỹ Thành; tuyến Đèo Nhông- Mỹ Thọ…
Tại buổi làm việc, các sở, ban ngành của tỉnh trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến những đề xuất, kiến nghị của huyện Phù Mỹ, đồng thời tư vấn, hướng dẫn các giải pháp giúp địa phương phát triển KT-XH.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu huyện Phù Mỹ phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất từ ý chí đến hành động trong thực hiện phát triển KT-XH. Tỉnh sẽ hỗ trợ huyện Phù Mỹ xây dựng kế hoạch phát triển rõ ràng, gắn với định hướng mục tiêu phát triển KT-XH từng giai đoạn cụ thể của huyện. Trên cơ sở đó, Phù Mỹ chủ động rà soát, xác định những phần việc quan trọng cần ưu tiên đầu tư phát triển. Khi có định hướng phát triển rõ ràng, giải pháp cụ thể, nhận được sự đồng thuận của tỉnh, huyện phải quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho tất cả cán bộ đảng viên và nhân dân tại các địa phương biết, tạo sự đồng thuận cao để cùng thực hiện. Huyện phải phân công nhiệm vụ rõ ràng, định lượng cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ động thay đổi cung cách làm việc và làm việc một cách thực sự với quyết tâm cao nhất.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn chỉ đạo Sở KH&ĐT hỗ trợ huyện Phù Mỹ xây dựng lại kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, thể hiện được số liệu, giải pháp cụ thể. Huyện cũng cần chọn 2 làng nghề làm điểm để xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển; đồng thời rà soát lại các dự án hiện có để đốc thúc thực hiện, các sở, ngành sẽ hỗ trợ Phù Mỹ. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác quản lý đô thị, công tác chuyển đổi số và giáo dục đào tạo cán bộ. Cần phải quản lý chặt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý dứt điểm các vụ vi phạm đất đai, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn ủng hộ các đề xuất, kiến nghị của huyện Phù Mỹ và yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh rà soát, phân loại, xác định những vấn đề ưu tiên, hỗ trợ địa phương làm ngay.