Dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số
Sáng 25.2, tại trụ sở Chính phủ (TP Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì hội nghị. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ CA, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại điểm cầu Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh) chủ trì. Tham dự cuộc họp còn có các thành viên Ban chỉ đạo CĐS tỉnh và thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, công tác CĐS và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt về nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực CĐS; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, CĐS và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh gắn với kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực. Đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Tại Bình Định, công tác CĐS tiếp tục được các cơ quan nhà nước, cộng đồng, người dân và DN trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ban chỉ đạo CĐS tỉnh đã dự thảo kế hoạch CĐS tỉnh trong năm 2023, với mục tiêu phát triển của chính quyền số là xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hình thành kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh; triển khai sử dụng, khai thác có hiệu quả các nền tảng số quốc gia, các hệ thống thông tin dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh. Về kinh tế số, phấn đấu kinh tế số chiếm 15% GRDP; tối thiểu 30% các DN nhỏ và vừa (DN, HTX, hộ kinh doanh) thường xuyên sử dụng các nền tảng số; thu hút khoảng 1.500 chuyên gia, lao động làm việc tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định. Với xã hội số, xác định mục tiêu triển khai hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 70% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử trên 30%...
Qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06, các sở, ngành, địa phương đã chủ động tham mưu chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06 nghiêm túc theo lộ trình đề ra. UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh đã chỉ đạo kịp thời các đơn vị, địa phương tập trung triển khai quyết liệt trong công tác làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch, tiêm chủng, công tác cấp CCCD, cấp tài khoản định danh điện tử, công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến… bảo đảm nguồn thông tin công dân đầy đủ, chính xác nhằm phục vụ chia sẻ, kết nối dữ liệu. Đã triển khai thực hiện 23/25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, DN; thu thập, rà soát, đồng bộ hơn 1,8 triệu nhân khẩu thường trú vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp CCCD cho hơn 1,3 triệu người; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và giao dịch, góp phần cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với báo cáo, ý kiến tại hội nghị, giao Bộ TT&TT, Bộ CA, Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện và sớm trình thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023, nhiệm vụ CĐS quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi mỗi bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo, điều hành. Theo đó, CĐS là xu hướng, xu thế, phong trào không thể đảo ngược, có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội. CĐS phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến…; đồng thời, quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.
Nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch CĐS năm 2023 của Ủy ban; các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện, nhấn mạnh vào chủ đề “Năm quốc gia về dữ liệu số” (hoàn thành trong quý I - năm 2023). Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng kế hoạch CĐS phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; các mục tiêu, chỉ tiêu phải định lượng được, dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc, nghiêm khắc phê bình những cá nhân, đơn vị chậm chễ, không theo đúng kế hoạch; khen thưởng kịp thời những nơi làm tốt. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CĐS quốc gia. Bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy CĐS quốc gia…