|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

(binhdinh.gov.vn) - Chiều ngày 19/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh có các đồng chí: Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì buổi làm việc

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, giáo dục, đào tạo giữ vai trò cốt tử đối với quốc gia, đối với sự phát triển của đất nước. Trong đó, việc triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 được xem là bước ngoặt quan trọng trên hành trình đổi mới của ngành Giáo dục. Đợt giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội tại các tỉnh thành trong đó có Bình Định nhằm làm rõ những kết quả đạt được và nhất là những khó khăn, vướng mắc qua thực tế triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 để từ đó có giải pháp điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục đào tạo…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 204 trường Tiểu học, 148 trường THCS, 55 trường THPT, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với gần 278.000 học sinh, học viên. Khối giáo dục phổ thông toàn tỉnh có hơn 13.700 giáo viên, cơ bản đảm bảo đủ để tổ chức dạy và học, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỉnh cũng đã đầu tư hơn 1.237 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, hơn 465 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học nhằm đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Tỉnh Bình Định cũng rà soát, sắp xếp, sáp nhập trường có quy mô nhỏ; dồn dịch điểm trường lẻ gần điểm chính, đi lại thuận tiện, do đó mạng lưới ngày càng được tinh gọn, hiệu quả trong việc bố trí, sử dụng nguồn lực. Đến nay, có 12.738 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành bồi dưỡng các mô đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Quy Nhơn hoàn thành việc tổ chức bồi dưỡng cho 204 giáo viên môn Tin học và Công nghệ cấp Tiểu học, 901 giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và 512 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS để đáp ứng việc giảng dạy các môn ghép theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Quang cảnh làm việc

UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các văn bản thẩm định, trình duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đảm bảo theo quy định, chặt chẽ theo văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai in ấn, phát hành tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bình Định lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 đảm bảo chất lượng và đủ số lượng cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn hỗ trợ các cơ sở giáo dục kịp thời ngay từ đầu năm học nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn Giám sát đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề đặt ra qua thực tế triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giao dục phổ thông. Trong đó, nổi lên vấn đề thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn và giải pháp khắc phục; mức độ đáp ứng của giáo viên và học sinh trong dạy tích hợp và tổ hợp bộ môn; những khó khăn khi triển khai chương trình mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số do hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, học sinh dân tộc chưa thành thạo tiếng Việt; công tác tiếp nhận ý kiến, đóng góp của dư luận xã hội về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác xã hội hóa các loại hình đào tạo, xã hội hóa về cơ sở vật chất…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cảm ơn Đoàn giám sát đã có buổi làm việc và tập trung vào giám sát công tác giáo dục của tỉnh, đặc biệt là chương trình giáo dục cũng như đổi mới sách giáo khoa.

Liên quan đến chương trình đổi mới, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đổi mới giáo dục là cần thiết, được tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên khi mới bắt đầu triển khai còn vướng, do vậy cần rà soát, đào tạo lại nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nắm bắt và tiệm cận được, truyền đạt được các môn theo chương trình mới; bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, quan điểm lãnh đạo tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm tới giáo dục, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho ngành giáo dục đào tạo, nhất là với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời kiến nghị Nhà nước cần cấp sách miễn phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu vùng xa.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Quốc hội quan tâm đến cấp mẫu giáo nhưng cơ bản không nên xã hội hóa; định biên giáo viên theo chuẩn của Bộ Giáo dục đề xuất; Quốc Hội nên cân nhắc, có lộ trình cụ thể cho công tác xã hội hóa giáo dục, có sự phân định với từng khu vực, không nên “ép” quá mức về vấn đề tự chủ, xã hội hóa, ngân sách nhà nước nên tiếp tục quan tâm bố trí.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần thanh Mẫn đánh giá cao tỉnh Bình Định đã dành sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Trong thời gian qua các cấp chính quyền tỉnh Bình Định đã tích cực quán triệt thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đến các trường đến mỗi người dân trên địa bàn tỉnh. Phong trào dạy và học có bước phát triển khá tốt, tỉnh đã có sự đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm đến đội ngũ giáo viên điều này là yếu tố quan trọng để quyết định chất lượng giáo dục.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý về quy mô cơ cấu chất lượng nhà giáo cán bộ quản lý ở một số cơ sở giáo dục, vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong 1 số cơ sở giáo dục chưa hiệu quả, chưa quan tâm nhiều đến giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành. Trình độ một bộ phận giáo viên còn hạn chế nhất là giáo viên tiếng Anh ở cấp tiểu học. Giá sách giáo khoa còn cao so với mặt bằng đời sống.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục kể cả nguồn đầu tư Nhà nước và Xã hội hóa. Tiếp tục hoàn thiện thể chế của tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính trong giáo dục, tăng cường công tác bồi dưỡng cho giáo viên, trau dồi về lý tưởng và hoài bão cho học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong ngành giáo dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin, đặc biệt là chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vấn đề giáo dục để người dân biết và ủng hộ.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật