A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 15/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại hội nghị, từ sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, khó khăn song với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trên cả nước, ngành Du lịch đã tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng, lượng khách du lịch nội địa thiết lập kỷ lục mới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên bình diện quốc tế tăng đáng kể và nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành Du lịch trong nền kinh tế sau thời gian hơn 2 năm dịch bệnh có chuyển biến tích cực.

Với việc cho phép mở cửa từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19. Triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 07/3/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ; Công điện số 513/CĐ-VPCP ngày 19/01/2022 của Chính phủ về việc xây dựng lộ trình mở cửa lại an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022 về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và tập trung chỉ đạo, tổ chức hoạt động nhằm mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Ngay sau khi mở cửa, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường toàn cầu của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam đã đón 3,5 triệu khách quốc tế, đạt 70% so với kế hoạch. Trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm gần 68% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường nội địa có tốc độ phục hồi nhanh và mạnh. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, năm 2022 lượng khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Trong giai đoạn dịch COVID-19, thị trường khách du lịch nội địa là nền móng vững chắc để ngành du lịch Việt Nam có thể dần phục hồi và phát triển. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với năm 2019.

Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận các tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải xác định bối cảnh của một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; mong muốn phát triển du lịch nhanh, bền vững nhưng các nhiệm vụ, giải pháp cần kiên trì, bản lĩnh, bình tĩnh, phân tích, đánh giá những kết quả, thuận lợi cần phát huy, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và những thách thức cần vượt qua.

Thủ tướng khẳng định, phát triển du lịch cần gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa, công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; khách du lịch ngày càng "khó tính" hơn. Do đó, ngành du lịch phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam. Thủ tướng tin tưởng rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của quốc gia.


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật