A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 8/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Nguyễn Tự Công Hoàng đã chủ trì hội nghị triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh và hơn 250 thương nhân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, hộ nông dân, siêu thị, cơ sở làng nghề đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt hội nghị có sự tham dự Nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Bình Định bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, thương nhân, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới; đồng thời ghi nhận, tôn vinh những thương nhân đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu khai mạc hội nghị

Tại hội nghị này, UBND tỉnh mong muốn thương nhân chủ động phản ánh thực tế và hiến kế, đề xuất các giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ nông sản thời gian tới ổn định, bền vững, mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà, qua đó giúp chính quyền tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm hỏi hộ kinh doanh, hộ nông dân trước khi hội nghị diễn ra

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cũng nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với thương nhân theo nguyên tắc chính quyền tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh; thương nhân phải đảm bảo giá cả hợp lý, tuân thủ quy định về chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm và có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm hỏi hộ kinh doanh, hộ nông dân trước khi hội nghị diễn ra

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Kha cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng được mùa mất giá, chi phí đầu vào sản xuất có lúc còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối.

Các đại biểu dự hội nghị

Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, nút thắt lớn nhất đối với khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều; diện tích nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún cản trở việc cấp mã số vùng trồng; các nông hộ hợp tác xã còn nhiều hạn chế trong vay vốn ngân hàng do đó không thể mở rộng quy mô đầu tư.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân báo cáo thực trạng an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh và giải pháp trong thời gian tới

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thị Tố Trân báo cáo về an toàn thực phẩm và phát triển nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, diện tích cây trồng đạt chuẩn VietGAP là 284,4 ha, diện tích nông nghiệp hữu cơ là 121,6 ha; có 3 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh có 5 vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích 62,6 ha và 21 mã số vùng trồng nội địa cho 178,8 ha. Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau VietGAP Lá lành được duy trì với sản lượng tiêu thụ 25 tấn/tháng qua hệ thống siêu thị.

Về chăn nuôi, đàn heo ứng dụng công nghệ cao đạt 97.590 con, với 2 DN tiêu biểu là Công ty TNHH Bảo Châu và HTX Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Chăn nuôi tổng hợp Nhơn Khánh, áp dụng công nghệ vi sinh và xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học. Đàn bò phát triển thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định” ước đạt 79.800 con, trong khi các Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Cao Khanh tiếp tục cung cấp sản phẩm gà sạch, chất lượng cao. Lĩnh vực nuôi tôm cũng ghi nhận diện tích 110 ha ứng dụng công nghệ cao, sản lượng 3.800 tấn.

Toàn tỉnh có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, nhưng chỉ 45,7% đăng ký kinh doanh và 3,3% áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, HACCP. Những con số này cho thấy cần cải thiện để thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Định phổ biến, giới thiệu các quy định của pháp luật về giá và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm của Cục Quản lý thị trường

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, nông dân Trần Văn Thành, ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, sự hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất đã có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương. Thực tế, ông cùng 5 người khác liên kết trồng 5 héc ta ớt VietGap tại xã Cát Tài. Ban đầu triển khai trồng ớt theo chuỗi liên kết, người dân chưa có sự đồng thuận cao, tuy nhiên khi thấy được lợi nhuận của việc ký kết hợp đồng thu mua của doanh nghiệp bà con tiến hành thu hoạch và bán cho doanh nghiệp. Ông Trần Văn Thành kiến nghị cần có sự liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân để sản phẩm nông nghiệp được kiểm soát từ khâu trồng cho đến thu hoạch được thuận lợi.

ThS.BS Nguyễn Thị Diễm Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Vinanutrifood Bình Định, chia sẻ về dự án, định hướng và cách vận hành nhà máy tại Bình Định trong thời gian tới

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định cho biết, công ty đang triển khai các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp bán tại thị trường nội địa trên các nền tảng hệ thống các siêu thị, thương mại điện tử và thị trường Trung Quốc. Hiện Công ty Vinanutrifood đang triển khai nhà máy chế biến sâu, dự kiến 10 héc ta tại huyện Tây Sơn. Công ty này sẽ chế biến những mặt hàng nông sản, nhà máy đầu tiên đưa về giải quyết vấn đề nông sản của địa phương. Nhà máy này sẽ bao tiêu đa dạng từ trái cây cho đến các sản phẩm rau, củ quả với nền công nghệ mới nhất. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay, công ty đang tập trung vào vấn đề công nghệ, rất mong người dân ở Bình Định có được cái nhìn mới, thay đổi hệ tư duy, tạo được những vùng nguyên liệu lớn.

Đại diện HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) trao đổi tại hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương và các thương nhân, nông dân trong tỉnh đã tham gia trao đổi, đối thoại cùng lãnh đạo UBND tỉnh về thực trạng, khó khăn đang diễn ra trong ổn định sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn trong tiêu thụ nông sản.

Đại diện HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước) trao đổi tại hội nghị tình hình phát triển các dịch vụ tại đơn vị

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn so sánh sự kiện với “Hội nghị Diên Hồng”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc thảo luận các giải pháp nâng cao sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đánh giá rằng sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của tỉnh rất đa dạng và nổi tiếng, nhưng vẫn còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, và chưa theo chuẩn an toàn rộng rãi. Điều này khiến người dân khó làm giàu từ mảnh đất quê hương.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhận định, tỉnh Bình Định hiện thiếu các nhà máy chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm, tận dụng tối đa những gì nông nghiệp mang lại. Đồng thời, tư duy và cách làm trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bắt kịp các vùng khác trong cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh khuyến nghị cần thay đổi nhận thức, cách làm để người nông dân và các ngành dịch vụ hỗ trợ có thể phát triển bền vững và đạt được thu nhập ổn định.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Mục tiêu của hội nghị là tìm ra các giải pháp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng và năng suất, hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, các bên liên quan bao gồm nông dân, hợp tác xã, nhà máy chế biến, siêu thị, nhà khoa học và quản lý đều cùng có lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh hai mục tiêu chính: thứ nhất, xác định sản phẩm chủ lực dựa trên thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, không chạy theo lợi ích trước mắt; thứ hai, hướng tới sản xuất theo mô hình vùng nguyên liệu lớn, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.

Về quy trình sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hiện tại, nhiều nông dân vẫn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, không theo quy trình chuẩn, điều này cần phải thay đổi trong tương lai. Người đứng đầu chính quyền tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Sau hội nghị, tỉnh sẽ triển khai việc thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất, đặc biệt là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe và chất lượng sản phẩm. Toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp phải hướng tới việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như VietGAP và GlobalGAP.

Ký các cam kết và mô hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đề xuất thực hiện tốt khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bốn mô hình: Liên kết chuỗi; bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ trên địa bàn; bán hàng qua thương nhân; bán hàng thương mại điện tử.

Để cải thiện tình hình, tỉnh sẽ tập trung mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, đồng thời hỗ trợ chính sách phát triển nông nghiệp và ứng dụng công nghệ. Việc này không chỉ giúp nông dân an tâm về đầu ra mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế.

Ngoài ra, các địa phương cần xác định rõ sản phẩm chủ lực, xây dựng hợp tác xã và tổ hợp tác để tổ chức sản xuất quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính quyền địa phương phải đảm bảo rằng mọi khâu từ sản xuất đến tiêu thụ đều được quản lý chặt chẽ, đồng thời thúc đẩy ký kết cam kết giữa nông dân, doanh nghiệp và thương nhân để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm và duy trì giá cả ổn định.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các huyện phải coi việc phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, với sự chịu trách nhiệm trực tiếp từ Chủ tịch huyện trong việc triển khai và giám sát thực hiện.

Ký các cam kết và mô hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh

Với bà con nông dân, HTX, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thay đổi căn bản nhận thức về sản xuất trong nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… ; tập trung sản xuất đảm bảo quy trình và các tiêu chuẩn chất lượng; thực hiện cam kết với doanh nghiệp và thương nhân các nội dung yêu cầu để đảm bảo bao tiêu sản phẩm.

Các doanh nghiệp chế biến cùng với tỉnh quy hoạch vùng trồng, tổ chức các quy trình và tiêu chuẩn sản phẩm, tập trung vào các nhà máy chế biến sâu và ký kết với bà con, các nhà máy thì phải tuần hoàn. Các thương nhân hỗ trợ cho bà con tiêu thụ trực tiếp, trước hết thống nhất ký cam kết tiêu thụ sản phẩm vẫn đảm bảo quy trình chất lượng, chung tay hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm nhất là khi được mùa.

Các siêu thị trên địa bàn cùng doanh nghiệp và thương nhân tập trung rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng đưa vào kệ siêu thị để bán và đưa sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ tại các siêu thị ở các tỉnh khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền tinh thần của tỉnh trong việc thay đổi căn bản tổ chức sản xuất và tiêu thụ, hướng tới sản xuất an toàn tuyệt đối đảm bảo chất lượng, bền vững; hỗ trợ tuyên truyền cách làm hay, hiệu quả nhân rộng; hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm; phát hiện các trường hợp vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, các sản phẩm vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm quy trình sản xuất nhất là dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, gia cầm, gia súc bị bệnh vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cảm ơn tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, thương nhân, bà con là doanh nhân nhỏ, nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và kinh doanh hiệu quả, ngày càng phát triển vững mạnh./.


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật