|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toàn văn kết luận phiên họp thứ hai của Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 02/10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 400/TB-UBND về kết luận phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhìn chung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 đã có sự chuyển biến tích cực: (i) Tính đến nay, đã hoàn thành 20/30 nhiệm vụ cải cách hành chính, 24/59 nhiệm vụ chuyển đổi số và 28/40 nhiệm vụ của Đề án 06 trong các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2024; (ii) Việc tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ đã góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trễ hạn tiếp tục giảm so với các năm trước; (iii) Kết quả xếp hạng lũy kế trong năm 2024 “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến” của tỉnh duy trì ở vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương (sau tỉnh Cà Mau); (iv) 02 nhóm dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ được triển khai kịp thời, hiệu quả trên địa bàn tỉnh; (v) Công tác chuyển đổi số tiếp tục có sự chuyển biến tích cực: bước đầu đưa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của công chức, viên chức; một số nền tảng công nghệ thông tin quan trọng như: nền tảng Trợ lý ảo, Hệ thống thông tin nguồn (Đài truyền thanh cơ sở), Hệ thống quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội, Kho dữ liệu số của tỉnh… được chính thức đưa vào vận hành, sử dụng góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh các ưu điểm, những tồn tại, hạn chế chủ yếu là: (i) Một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp theo các quy định mới của Trung ương (như Luật Đất đai năm 2024) chưa có sự nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo từ sớm, từ xa, làm phát sinh vướng mắc; (ii) Một số nhiệm vụ lớn, quan trọng, phức tạp của công tác chuyển đổi số, Đề án 06 chưa có sự quan tâm hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chủ trì dẫn đến lúng túng, mất thời gian trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; (iii) Công tác tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 chưa đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, số lượng nhiệm vụ còn tồn đọng trong 3 tháng cuối năm tương đối nhiều…

Ngoài một số nguyên nhân mang tính khách quan, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu vẫn xuất phát từ: (i) Sự thiếu quyết liệt, quyết tâm, kiên trì của Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương; (ii) Người đứng đầu nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt, trách nhiệm đi đầu, tiên phong đổi mới tư duy, phương pháp thực hiện nhiệm vụ của bản thân, của cơ quan, đơn vị để thật sự làm gương cho cấp dưới noi theo thực hiện; (iii) Vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thiếu chặt chẽ trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao dẫn đến một số công việc không đảm bảo tiến độ thời gian theo quy định. Để thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới, nhất là trong 3 tháng còn lại của năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh:

- Triển khai việc nghiên cứu nội dung bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “Về công tác chuyển đổi số nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024)” để tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, trung tâm là Đề án 06 đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; từ đó, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị bằng tư duy, phương pháp thật sự đổi mới.

- Khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại các kế hoạch trong năm 2024; tập trung cải thiện, nâng cao kết quả các chỉ số PAPI, chỉ số SIPAS, chỉ số PAR INDEX, chỉ số PCI theo đúng nội dung Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tuân thủ nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; đây là cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực quan trọng như: lao động, hộ nghèo, du lịch, văn hóa, đất đai, doanh nghiệp… để góp phần làm giàu Kho dữ liệu số của tỉnh phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định quản lý dựa trên dữ liệu.

2. Giao Sở Nội vụ:

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra công vụ; trong đó, tập trung kiểm tra việc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của Bộ phận Một cửa các cấp và của công chức, viên chức tại bộ phận chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có làm việc tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp (chú trọng kiểm tra các địa phương cấp xã có nhiều đơn, thư khiếu nại, khiếu kiện của công dân); đề xuất, kiến nghị việc xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

- Tập trung rà soát, tham mưu, đề xuất việc phân cấp, ủy quyền trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có quy định giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng: tự quyết định các vấn đề trong khung khổ pháp luật, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và tự chịu trách nhiệm chính về các quyết định của mình.

- Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính trong năm 2024. Tổng hợp, báo cáo, tham mưu, đề xuất việc xem xét trách nhiệm, đánh giá phân loại, bình xét thi đua, khen thưởng đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương và Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông:

- Khẩn trương triển khai đưa vào sử dụng hiệu quả các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cơ quan nhà nước, Hệ thống thông tin nguồn, Hệ thống quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội, Kho dữ liệu số tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng nền tảng Trợ lý ảo hỗ trợ cho cán bộ, công chức cấp xã trong tháng 10 năm 2024.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng Đề án chuyển đổi số của tỉnh trên cơ sở nền tảng, thành tựu của việc triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024; trong đó, nội dung chủ yếu tập trung vào việc xây dựng, khai thác hiệu quả Kho dữ liệu số của tỉnh gắn với ứng dụng AI để đổi mới, tạo sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên địa bàn tỉnh và phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng thông tin, dữ liệu số. Thời gian hoàn thành trong tháng 11/2024.

- Rà soát, tham mưu, đề xuất việc ban hành “Quy chế quản lý, vận hành hoạt động của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC)”; trong đó, quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đồng bộ, thống nhất một nền tảng phần mềm trong toàn tỉnh và phạm vi trách nhiệm về đầu tư, mua sắm trang thiết bị để triển khai mô hình “đô thị thông minh” tại các địa phương cấp huyện. Đồng thời, trên cơ sở học tập, nghiên cứu kinh nghiệm của một số địa phương cấp tỉnh khác, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất phương hướng, kịch bản phát triển IOC trở thành một nền tảng xã hội số riêng của Bình Định trong năm 2025.

- Tiếp tục rà soát, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, định hướng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ lớn, mang tính cơ bản, nền tảng của công tác chuyển đổi số, nhất là vấn đề dữ liệu.

- Tham mưu, đề xuất việc công bố thủ tục hành chính nội bộ, phê duyệt quy trình thực hiện thủ tục đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, dễ thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

4. Giao Công an tỉnh chủ trì, rà soát, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, định hướng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ lớn, mang tính cơ bản, nền tảng của Đề án 06; trong đó, lưu ý cập nhật đầy đủ và theo dõi sát sao tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do các cơ quan Trung ương giao.

5. Giao Văn phòng UBND tỉnh:

- Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế về vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh theo đúng yêu cầu của Bộ Công an.

- Tiếp tục tham mưu, đề xuất việc triển khai thực hiện hiệu quả “Quy chế tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06” ban hành kèm theo Quyết định số 76/QĐ-BCĐ ngày 21/5/2024 của Trưởng Ban Chỉ đạo; trong đó, lưu ý đối với công tác đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, sự tích cực tham gia các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo đối với từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đảm bảo khách quan, thực chất.

6. Giao Sở Tư pháp:

- Theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiến độ và chất lượng xây dựng, tham mưu ban hành các văn bản quy pham pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh để cụ thể hóa việc triển khai các Luật, văn bản quy định pháp luật Trung ương ban hành trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các lĩnh vực quan trọng như: đất đai, nhà ở, bất động sản, tín dụng....Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ hằng tháng để xem xét, chỉ đạo việc thực hiện.

- Tập trung rà soát, chuẩn hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, hoàn thiện Kho dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh theo phạm vi từng ngành, lĩnh vực và của từng địa phương cấp huyện để cung cấp nguồn dữ liệu pháp lý cho nền tảng Trợ lý ảo cập nhật thông tin, kiến thức đáp ứng yêu cầu phục vụ, hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, tham mưu, đề xuất các quyết định quản lý.

 - Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh; tham mưu việc triển khai, sử dụng dữ liệu hộ tịch trong công tác quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trên lĩnh vực Hộ tịch. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh tổ chức triển khai thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an đảm bảo hoàn thành đúng thời gian theo quy định.

7. Giao Sở Y tế tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành Y tế để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, tạo sự đột phá thực chất cho ngành Y tế của tỉnh; trước mắt sớm hoàn thành nhiệm vụ triển khai Bệnh án điện tử. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao liên quan đến Bệnh viên Đa khoa tỉnh.

8. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và tham mưu, đề xuất việc ban hành, tổ chức triển khai thực hiện “Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh” để phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên lĩnh vực Đất đai. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn UBND các địa phương liên quan (Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh) sớm hoàn thiện dữ liệu đất đai trên địa bàn./.


Tác giả: Nguyễn Văn Phong

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật