|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI và Chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2025

(binhdinh.gov.vn) Chiều ngày 18/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI và Chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Quang cảnh hội nghị.

Theo kết quả xếp hạng các Chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2023; trong đó, có 03/04 chỉ số tăng vị trí xếp hạng so với năm 2022, 01/04 chỉ số tụt hạng so với năm 2022, cụ thể: Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) xếp hạng 19/61 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2022; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2022; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2022; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố, giảm 04 bậc so với năm 2022. Bên cạnh mặt tích cực, kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số PCI năm 2023 vẫn còn nhiều nội dung không đạt được mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân chủ yếu của đa số các chỉ số đạt điểm thấp là do một bộ phận Người đứng đầu chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số cơ quan, đơn vị còn bị động, thiếu quyết liệt; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chưa có nhiều chuyển biến trong việc đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ sở dữ liệu chuyên ngành vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối liên thông tại một số lĩnh vực; tình trạng trễ hẹn giải quyết hồ sơ vẫn tập trung vào một số lĩnh vực như: đất đai, xây dựng,…

Mục tiêu cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số PCI của tỉnh Bình Định đến năm 2025 là phấn đấu kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS tiếp tục tăng điểm, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố trung bình cao trở lên, xếp vị trí 20 địa phương dẫn đầu cả nước và vị trí 05/14 tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Phấn đấu kết quả Chỉ số PAR INDEX tiếp tục tăng điểm, xếp vị trí 25 địa phương dẫn đầu cả nước và vị trí 05/14 tỉnh Khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Phấn đấu kết quả Chỉ số PCI tiếp tục tăng điểm, xếp vị trí 20 địa phương dẫn đầu cả nước.

Kế hoạch cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số PCI của tỉnh Bình Định đến năm 2025 gồm 5 nhóm giải pháp chính: Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ để tiếp tục duy trì các nội dung đã đạt điểm tối đa trong năm 2023 và khắc phục những tồn tại, hạn chế các nội dung của Chỉ số PAPI chưa đạt điểm tối đa trong năm 2023 để nâng cao Chỉ số đến năm 2025; Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ để tiếp tục duy trì các nội dung đã đạt điểm tối đa trong năm 2023 và khắc phục những tồn tại, hạn chế các nội dung của Chỉ số SIPAS chưa đạt điểm tối đa trong năm 2023 để nâng cao Chỉ số đến năm 2025; Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ để tiếp tục duy trì các nội dung đã đạt điểm tối đa trong năm 2023 và khắc phục những tồn tại, hạn chế các nội dung của Chỉ số PAR INDEX chưa đạt điểm tối đa trong năm 2023 để nâng cao Chỉ số đến năm 2025; Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ để tiếp tục duy trì các nội dung đã đạt điểm tối đa trong năm 2023 và khắc phục những tồn tại, hạn chế các nội dung của Chỉ số PCI chưa đạt điểm tối đa trong năm 2023 để nâng cao Chỉ số đến năm 2025; Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện những nhiệm vụ cụ thể để cải thiện, nâng cao kết quả Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số PCI của tỉnh theo trách nhiệm được phân công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh, cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cải cách hành chính của tỉnh và hoàn thành thắng lợi mục tiêu“Phấn đấu đến năm 2025, kết quả công tác CCHC của tỉnh thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên” theo yêu cầu của Tỉnh ủy tại Chương trình hành động số 09 về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu thật kỹ Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND tỉnh để nắm chắc những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI và PCI của tỉnh và các nội dung công việc cụ thể đã triển khai tại hội nghị hôm nay; khẩn trương, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. 

Bên cạnh đó, chú trọng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hằng năm đảm bảo đúng phạm vi thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tế cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bố trí đầy đủ nguồn lực, tập trung triển khai hiệu quả, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đốn đốc và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hằng tháng đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm thực hiện. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính và cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, nhất là đối với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Phối hợp chặt chẽ trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhất là xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tình trạng giải quyết trễ hạn/quá hạn. Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách, công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa được quan tâm thực hiện nghiêm theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang giao Sở Tư pháp tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh để xử lý các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL và thi hành pháp luật; chú trọng việc kiểm tra, hướng dẫn, khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại chính quyền cấp cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang giao Sở Nội vụ tham mưu đề xuất giải pháp đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo kết quả công việc đảm bảo thực chất, khắc phục cho được tình trạng “cào bằng” trong công tác đánh giá; có cơ chế, chính sách cụ thể để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập trung nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Gắn công tác kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này với kiểm tra công vụ và kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo từng nội dung, công việc cụ thể của các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở; theo dõi, giám sát thường xuyên việc thực hiện các nội dung sau kiểm tra, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, không chủ động triển khai nhiệm vụ được giao hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm khắc phục các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra…


Tác giả: DTD

Tin nổi bật Tin nổi bật