Lãnh đạo tỉnh đồng hành, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 24/5, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức buổi đi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp: Công ty CP May An Nhơn (phường Bình Định, TX An Nhơn); Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn). Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công ty CP May An Nhơn
Tại các doanh nghiệp, Đoàn công tác của tỉnh lắng nghe báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị hiện nay.
Đối với Công ty CP May An Nhơn, hiện có quy mô công suất 100.000 sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 1.000 lao động, với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của ngành may mặc, Công ty đang đối diện với tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm sút do tình hình lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu giảm. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn gần đây đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, làm tăng chi phí đi vay, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất nhà máy.
Tại buổi làm việc, Công ty kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho công nhân, xem xét giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh giá gia công hàng xuất khẩu, đồng thời đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động.
Tại buổi làm việc với Công ty CP May An Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời cho rằng DN đang gia công hàng thông thường sẽ bị cạnh tranh bởi thị trường Nam Á, như vậy DN phải có giải pháp để giảm chi phí, trong đó tập trung vào nguyên liệu, lãi suất.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu DN nghiên cứu phân khúc thị trường sản phẩm, các yếu tố đầu vào phải giảm hợp lý để đảm bảo cạnh tranh; đồng thời bám sát với Sở Công Thương và dự các cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức với thương vụ các nước trên thế giới để nghiên cứu và có đề xuất; nghiên cứu mở rộng thị trường trong nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chia sẻ những khó khăn với Công ty CP May An Nhơn
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Công Thương có báo cáo định kỳ hàng tháng tình hình thị trường để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, định hướng. Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh thống kê toàn bộ lãi suất hiện tại của các DN trên địa bàn tỉnh, báo cáo với tỉnh để làm việc với các DN vào tháng 6/2023, đề xuất Ngân hàng Nhà nước can thiệp hỗ trợ để giãn, giảm lãi vay. Sở Lao động TBXH tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo từng lĩnh vực.
Tại Công ty cổ phần may An Nhơn, Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng đào tạo lao động theo nhu cầu, tổ chức các lớp đào tạo chuẩn cho doanh nghiệp. Giảm giá chi phí thuê mặt bằng, tập trung hỗ trợ hạ tầng như điện, nước góp phần hạ giá thành cho doanh nghiệp. Ngoài ra, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Trung ương, tập hợp để tỉnh kiến nghị với Trung ương, Chính phủ trong các cuộc hợp sắp tới. Các vấn đề liên quan đến lãi suất trong phạm vi của Ngân hàng nhà nước tỉnh thì yêu cầu các Ngân hàng giảm tối đa để đồng hành các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.
Trong thời điểm khó khăn này, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Công ty CP May An Nhơn cần có đột phá, sáng tạo để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh vừa tạo việc làm cho người lao động, vừa đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Đồng chí tin tưởng với truyền thống và sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên của Công ty sẽ tiếp tục phát triển, đứng vững đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian đến.
Quang cảnh làm việc của lãnh đạo tỉnh với Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt
* Đối với Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, một trong những doanh nghiệp chế biến gỗ lớn của tỉnh, với quy mô 3 nhà máy, tạo việc làm cho 530 lao động, nhưng từ đầu năm đến nay giảm sút nghiêm trọng số đơn hàng sản xuất, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị và tạo việc làm cho công nhân.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, ngành gỗ Bình Định đang đứng trước những khó khăn cực kỳ lớn. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh 5 tháng đầu năm nay chỉ ước đạt 174,7 triệu USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh thời gian qua không có đơn hàng mới, lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp rất lớn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm số lượng lớn lao động. Dự báo trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu đồ gỗ vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị ngành gỗ cần phải tái cấu trúc, ngành gỗ Bình Định cần phải xác định dẫn dắt và dẫn đầu thương hiệu trong nước và quốc tế; tập trung định hướng cho F2. Quan điểm của tỉnh là đổi mới sản xuất, tập trung triệt để ứng dụng công nghệ và chế biến sâu sản phẩm, nguyên liệu tại chỗ, tạo sản phẩm mới dẫn dắt thị trường. Cùng với đó, yêu cầu Ngành gỗ đồng hành cùng với tỉnh làm việc với lâm trường tập trung trồng rừng gỗ lớn. Mở rộng thị trường mới; tổ chức các hội nghị Ngành gỗ tại tỉnh. Với các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh trong quá trình hoạt động, chính quyền tỉnh thường xuyên lắng nghe và tích cực tìm phương án tháo gỡ.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ với khó khăn mà DN đang gặp phải, động viên DN tiếp tục nỗ lực, có giải pháp khả thi để phục hồi, phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, tổng hợp kịp thời các đề xuất, kiến nghị của DN để báo cáo lãnh đạo tỉnh, Chính phủ tháo gỡ. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đào tạo lực lượng lao động, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi.