|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên hoan văn hoá cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II – 2023

(binhdinh.gov.vn) - Tối 16/12, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Tp Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên các dân tộc trong tỉnh.

Đại biểu dự Liên hoan

Đến dự Liên hoan có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện thị, thành phố cùng đông đảo người dân và du khách đến thưởng lãm.

Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - 2023 với chủ đề  “Âm vang nhịp điệu núi rừng” có sự tham gia của 242 nghệ nhân, diễn viên, học sinh của các đội cồng chiêng đến từ huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh tặng cờ lưu niệm, hoa cho các đoàn tham gia Liên hoan

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em trong khu vực. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Chăm, Bana, H’rê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định. Những bản sắc văn hoá riêng đó đã trở thành nếp sống, các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của văn hoá Bình Định.

Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đang lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc. Kho tàng nghi lễ, lễ hội truyền thống, hòa quyện với hệ thống nhạc lễ, nhạc cụ và các làn điệu dân ca, dân vũ đa dạng, độc đáo, hình thành nên bản sắc văn hoá vừa mang đặc trưng riêng vừa mang đặc trưng chung của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cồng chiêng là nhạc cụ, phương tiện diễn tấu dân gian quan trọng, mang nhiều giá trị văn hóa, gắn bó mật thiết với các hoạt động văn hóa, lễ hội, tết truyền thống, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 – 2030”, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tin tưởng, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II năm 2023 sẽ là dịp để các diễn viên, nghệ nhân cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của các dân tộc; trình diễn những tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm, Bana, H’rê thông qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các diễn viên, nghệ nhân. Qua đó, giới thiệu vốn văn hóa phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng trao giải A cho đoàn Vĩnh Thạnh

Sau lễ khai mạc, nghệ nhân, diễn viên các đoàn đã trình diễn 7 tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm H’roi, Bana, H’re, với những tiếng cồng chiêng vang vọng mang hơi thở đại ngàn. Những tiết mục có chủ đề như Nhạc hội trong Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới; Mừng chiến thắng; Làng H’rê vui hội; Bác Hồ kính yêu và mừng Đảng, mừng xuân; Chiêng mừng - Âm vang Đak Mang; Mừng được mùa; Vui cùng Ngày hội đã góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa phong phú, độc đáo trong không gian văn hóa của đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh với du khách gần xa.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trao giải B cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định và huyện An Lão

Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải A cho đoàn Vĩnh Thạnh; 2 giải B được trao cho đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định và huyện An Lão; 4 đoàn Vân Canh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân nhận giải C.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang trao giải C cho 4 đoàn Vân Canh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân


Tác giả: Lê Trang

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật