|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm việc với Thường trực HĐND tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 18/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh trong khuôn khổ hoạt động chuyến khảo sát kết quả triển khai và thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Bình Định.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê K’đăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hồ Quốc Dũng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Phi – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Huỳnh Thuý Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi đã báo cáo tổng kết thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại Bình Định. Nhìn chung, Luật hoạt động giám sát ra đời, đánh dấu bước đổi mới quan trọng trong việc cụ thể hóa chức năng giám sát của cơ quan dân cử nói chung, của HĐND nói riêng. Nội dung giám sát tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm. Qua hoạt động giám sát, HĐND đã kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc trong cơ chế chính sách pháp luật, những yếu kém trong quản lý điều hành, thi hành pháp luật tại địa phương; kết quả giám sát đã phát huy được những mặt mạnh, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của đơn vị chịu sự giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Qua 07 năm thực hiện Luật hoạt động giám sát, vị trí, vai trò của HĐND, các cơ quan của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, phần lớn đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên quỹ thời gian tham gia hoạt động dân cử còn ít, hiệu quả giám sát còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số hoạt động giám sát trên lĩnh vực chuyên môn mang tính đặc thù nên việc nghiên cứu đôi lúc chưa sâu. Hoạt động chất vấn tại một số nơi chưa đi thẳng vào vấn đề. Chất lượng một số cuộc giám sát chuyên đề tại cơ sở đôi lúc chưa đảm bảo tiến độ đề ra; việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa thường xuyên. Luật và các hướng dẫn liên quan đến hoạt động giám sát chưa quy định cụ thể các biện pháp xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không chấp hành nghiêm kế hoạch, kiến nghị của các cơ quan Hội đồng nhân dân. Chưa quy định trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát đối với văn bản quy phạm pháp luật. Chưa có quy định về mời chuyên gia tư vấn tham gia các Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban Hội đồng nhân dân. 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc

Theo ý kiến tham gia của các đại biểu tại buổi làm việc, quá trình tổ chức thi hành Luật và các hướng dẫn thi hành vẫn còn một số quy định bất cập, chưa được điều chỉnh hoặc chưa có quy định cụ thể nên còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của HĐND và thực tiễn đặt ra. Việc chuẩn bị báo cáo của Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân trình HĐND tại một số kỳ họp còn chậm, số liệu chưa đảm bảo, phải bổ sung nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp tuy đã được nâng lên nhưng số lượng đại biểu đăng ký chất vấn còn ít, ngại va chạm; tính tranh luận một số nội dung chất vấn chưa cao, một số ý kiến chưa tập trung vào các vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm để chất vấn.

Bí thư huyện Tây Sơn Lê Bình Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Các đại biểu tham gia buổi làm việc cũng đề nghị Quốc hội cần đưa các nội dung hướng dẫn hoạt động giám sát tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Luật nhằm tạo tính pháp lý cao hơn và thuận tiện cho việc triển khai, áp dụng đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, bổ sung các quy định: Về mời chuyên gia tư vấn tham gia các Đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh; quy định hoặc hướng dẫn trình tự, thủ tục khảo sát của Thường trực HĐND và các Ban HĐND. Ban hành quy định cụ thể các chế độ, định mức chi cho công tác phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân các cấp. Sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ tại Điều 59 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với Điều 87 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số điều Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Cùng với đó, đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát đối với các cơ quan được giám sát sau khi kết thúc cuộc giám sát. Bổ sung quy định các biện pháp, chế tài cụ thể để xử lý đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân không chấp hành nghiêm các kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể việc tiếp xúc cử tri đối với HĐND dân các cấp như hướng dẫn Nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN nhằm thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri tại địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh hoan nghênh chuyến khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì rất bổ ích đối với hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh. Thực tế tại Bình Định thời gian qua, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh thực hiện công tác giám sát chuyên đề là chính; tiến hành chất vấn UBND tỉnh tại các kỳ họp của HĐND tỉnh về những vấn đề cử tri quan tâm và những nội dung MTTQVN tỉnh kiến nghị; nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, đưa các Nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Tuy vậy, thẳng thắn mà nói, chất lượng các cuộc giám sát chưa đạt yêu cầu như Luật đã đề ra, nên cần có Dự án Luật sửa đổi, bổ sung là cần thiết.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương nỗ lực của tỉnh Bình Định trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội năm 2024; đồng thời đánh giá cao kết quả triển khai và thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại Bình Định; nhất là việc tiến hành các kỳ họp chuyên đề, giám sát chuyên đề nhằm nâng cao trách nhiệm thực thi các Nghị quyết của HĐND tỉnh sau giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng ghi nhận những kiến nghị rất có trách nhiệm và xuất phát từ thực tiễn của Thường trực HĐND tỉnh Bình Định đối với Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đây là dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật chuyên ngành; cần nghiên cứu kỹ lưỡng để luật hóa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, đã chín, đã thực hiện ổn định; đồng thời đây cũng là dự án luật lần đầu tiên giao cho một cơ quan của Quốc hội chủ trì xây dựng kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn khảo sát tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại hội nghị này, tập trung nghiên cứu, tiếp thu với tinh thần thật sự cầu thị; việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật cần bám sát 05 chính sách xây dựng dự án Luật đã được quốc hội thông qua nhằm thể chế đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng có liên quan, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi, tính ổn định cao.


Tác giả: Trang Lê

Tin nổi bật Tin nổi bật