|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đổi cách nghĩ, cách làm trong công tác phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 17/01, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm (BCĐ 138/CP), Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của BCĐ 138/CP và BCĐ 389. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì điểm cầu Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo của BCĐ 138/CP,  năm 2023, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và BCĐ 138/CP về công tác phòng, chống tội phạm. Đáng chú ý, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã chủ động tham mưu, đề xuất Đảng, Chính phủ chỉ đạo sơ kết, tổng kết nhiều chuyên đề và kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm. Tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản, tội phạm liên quan lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy; tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được đẩy mạnh. Các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời.

Cụ thể, năm 2023, Bộ Công an đã điều tra, khám phá 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 77,01% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 2,01%); án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,13% (cao hơn chỉ tiêu giao 1,13%); triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.511 đối tượng truy nã, trong đó có 1.789 đối tượng nguy hiểm. Tiếp nhận 100% tin báo, tố giác tội phạm, tỷ lệ giải quyết đạt 89,72%. Cùng với đó, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 4.452 vụ, 6.334 đối tượng phạm tội về kinh tế; 868 vụ, 2.293 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ; phát hiện, xử lý 659 vụ, 15 tổ chức, 791 cá nhân phạm tội về môi trường, an toàn thực phẩm, khởi tố 496 vụ, 735 bị can. Phát hiện, xử lý 27.333 vụ, 42.977 đối tượng phạm tội về ma túy; khởi tố 24.889 vụ, 36.972 bị can; thu giữ 523,74kg heroin, 541,64 kg cần sa và hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp...

Các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng đã thụ lý, giải quyết 9.150 vụ/18.902 đối tượng (tăng 35 vụ, giảm 852 đối tượng). 

Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 130.354 vụ/200.572 bị can, tăng 18.546 vụ và 27.411 bị can. Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, xử lý 100.510 vụ/156,039 bị can, đạt tỷ lệ 77,1% số vụ; kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 79.668 vụ/150.433 bị can, tăng 13,9% số vụ và 16,2% số bị can; đã xử lý, giải quyết 79.225 vụ/151.986 bị can, đạt tỷ lệ 99,4%.

Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 93.468 vụ với 183.963 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 82.045 vụ với 159.065 bị cáo đạt tỷ lệ giải quyết 87,8%; thụ lý 29.675 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 29.001 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97,7%.

Báo cáo của BCĐ 389 Quốc gia cho thấy, năm 2023, BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương đã chủ động quán triệt, xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ án, vụ việc, đường dây, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bình ổn thị trường, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ghi nhận, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 146.680 vụ vi phạm. Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ gần 11.500 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; trên 129.710 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; trên 5.460 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 14.570,347 tỷ đồng; khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng.

Cùng với đó, các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp lực lượng đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên, đột xuất, kịp thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, công chức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2023, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có chuyển biến tích cực ở tất cả các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý vẫn còn hạn chế, chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số vi phạm trên thực tế ở các lĩnh vực.

Năm 2024, tình hình tội phạm, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh thể chế, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023; tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong đấu tranh, phòng chống tội phạm; đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho người dân về những công tác này; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại. Các lực lượng chức năng cần đánh giá, rà soát, thay đổi cách nghĩ, cách làm với quyết tâm cao và có cơ chế, giải pháp thu thập, xử lý thông tin kịp thời, hiệu quả, chính xác hơn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tham gia điều tra tội phạm…


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật