A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm việc với tỉnh Bình Định về biến đổi khí hậu

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 25/8, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trương ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Tham gia đoàn giám sát có các đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc

Báo cáo của UBND tỉnh tại buổi làm việc khẳng định, tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang dần hiện rõ. Mới đây nhất là đợt mưa to, gió lớn trái mùa gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua. Với đặc trưng nhiệt độ trung bình cao, cùng với những đợt nắng nóng có thể lên đến trên 400C, các hệ sinh thái khu vực đầm và rạn san hô ven biển tỉnh Bình Định có nguy cơ bị suy giảm về mặt đa dạng sinh học. Đặc biệt tỉnh thường xuyên hứng chịu bão lụt hạn hán. Một tín hiệu đáng mừng là nhận thức về biến đổi khí hậu của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, bước đầu các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và người dân đã quan tâm đến biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được tăng cường, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của tỉnh.

Tính từ năm 2016-2021, tỉnh Bình Định đã ưu tiên bố trí kinh phí vốn đầu tư (gồm vốn ngân sách và vốn viện trợ) cho các chương trình, dự án, đề án ứng phó với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý là tỉnh đã và đang triển khai 22 đề án, dự án, nhiệm vụ về biến đổi khí hậu trên các lĩnh vực với tổng kinh phí hơn 521 tỷ đồng, trong đó có 19 đề án, dự án, nhiệm vụ hoàn thành và đạt hiệu quả cao, 3 đề án, dự án đang triển khai thực hiện…. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Định tiếp tục bố trí đầu tư 14 đề án, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn của giai đoạn này.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa thường xuyên. Công tác nghiên cứu cơ bản về biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống mạng lưới các trạm khí tượng thủy văn, giám sát khí hậu còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do chưa có quy định chung về sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương. Kinh phí đầu tư cho việc điều tra cơ bản về ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi các vấn đề liên quan đến thực tế công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh. Đoàn giám sát đã yêu cầu tỉnh Bình Định làm rõ, bổ sung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH các giai đoạn, việc đầu tư trong ứng phó với BĐKH, đặc biệt là vấn đề trồng rừng thay thế liên quan đến việc phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và các công trình thích ứng, đặc biệt, hạn chế tối đa hoặc không sử dụng diện tích rừng để làm năng lượng tái tạo. Giải trình làm rõ kiến nghị của các doanh nghiệp điện gió, điện Mặt trời trong việc mua bán tín chỉ carbon, xây dựng chính sách và các quy định cho thị trường carbon. Các nhóm vấn đề khác như năng lực thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính, quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng từ chất thải, ứng dụng KH&CN trong hoạt động ứng phó với BĐKH …cũng được các thành viên Đoàn đề nghị làm rõ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, quan điểm của tỉnh trong thời gian qua là không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế. Tỉnh cũng đã huy động cấp ủy, chính quyền các cấp và tuyên truyền, huy động nhân dân tham gia chống ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều dự án hạ tầng, phát triển kinh tế rừng, phục hồi rạn san hô đã mang lại hiệu quả bước đầu. Trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu hình thành các dự án năng lượng tái tạo, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm xây dựng đề án ứng phó biến đổi khí hậu trên cả nước, nhất là khu vực miền Trung khi thường xuyên chịu cảnh mưa ngập lụt, nắng lên thì hạn hán.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá, Bình Định rất nỗ lực và tích cực thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống phục vụ chung cho cộng đồng. Theo ông Huy, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng khốc liệt hơn tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do vậy, phải truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu và phòng chống, ứng phó với thiên tai. Việc thứ 2 là quản lý, giảm phát thải khí nhà kính. Việc quan trọng nữa là phải lồng ghép, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, công trình được triển khai. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm quan trắc các dữ liệu về nắng gió, mưa bão, chia sẻ các dữ liệu để các sở, ngành, địa phương chủ động các giải pháp ứng phó. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cũng đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành và tiếp tục liên kết, tận dụng các nguồn lực viện trợ để chống biến đổi khí hậu./.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật