A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế

(binhdinh.gov.vn) - Trong thời gian qua, tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh từng bước được củng cố, kiện toàn và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Ảnh minh họa (Một buổi tuyên truyền pháp luật, TGPL ngoài trụ sở do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức. - baobinhdinh.vn)

Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh, hằng năm, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, xác định phạm vi, nhiệm vụ trọng tâm công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bổ trợ tư pháp; bồi thường nhà nước; kiểm soát thủ tục hành chính; tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng; tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh, góp phần tháo gỡ những khó khăn, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ pháp chế nhằm nâng cao trình độ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác PBGDPL được các cơ quan chuyên môn duy trì thực hiện thường xuyên với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng tham dự; góp phần chuyển tải các nội dung pháp luật đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, công tác pháp chế tại nhiều đơn vị đã được quan tâm thực hiện, vai trò của bộ phận pháp chế đã dần được phát huy thông qua việc tham gia vào công tác kiểm tra, rà soát, góp ý, thẩm định các văn bản QPPL; theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; PBGDPL; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; bổ trợ tư pháp; bồi thường nhà nước; kiểm soát thủ tục hành chính; tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng... góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị.

Nhằm từng bước kiện toàn tổ chức pháp chế và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao và phù hợp với khả năng bố trí biên chế của tỉnh; tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn thi hành pháp luật, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể: Cần cân nhắc quy định rõ việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về công tác pháp chế trong các cơ quan chuyên môn; tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế; chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ phụ trách công tác pháp chế. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác pháp chế theo chuyên đề, lĩnh vực để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế và cơ quan quản lý nhà nước về công tác pháp chế; tăng cường tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ; cung cấp thông tin, tài liệu cho công chức, viên chức làm công tác pháp chế.

Đối với địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Thông qua kiểm tra để đánh giá đúng thực trạng triển khai thực hiện, từ đó, kịp thời hướng dẫn về nghiệp vụ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động pháp chế và bảo đảm nguồn kinh phí cho tổ chức, hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện Trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn, coi đây là phương tiện phục vụ đắc lực cho công tác pháp chế. Đăng tải kịp thời, đầy đủ các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để lấy ý kiến của Nhân dân, các thủ tục hành chính, các văn bản QPPL trong ngành, lĩnh vực để Nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện. Tạo mục hỏi đáp pháp luật để giải đáp các vướng mắc của cơ quan, tổ chức, công dân về các chính sách pháp luật trong ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và cơ quan nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Sử dụng triệt để hệ thống thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin, báo cáo về hoạt động pháp chế giữa Sở Tư pháp và tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật