CÔNG ĐIỆN 13: Ứng phó Áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh
Dự báo, do ảnh hưởng của rìa Tây áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định nên từ nay (23/9) đến ngày 24/9, ở khu vực Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt ở các huyện, thị xã phía bắc tỉnh (Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Hoài nhơn, Phù Mỹ); Từ 70 – 120mm/đợt, có nơi trên 150mm/ đợt ở các huyện, thị xã, thành phố phía nam tỉnh (Tây Sơn, Vân Canh, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Tp Quy Nhơn).
Để chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão sẽ đổ bộ các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và khả năng mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự các Sở, ban ngành, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện ngay một số nội dung sau:
1. Đối với khu vực trên biển và ven bờ
- Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của vùng áp thấp; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông được cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.
- Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
- Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy sản.
2. Đối với khu vực đất liền
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh.
- Chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất khi có yêu cầu.
- Kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng. Tháo dỡ vật cản, các mảng bèo trên sông và tại các đập dâng; đặc biệt tháo dỡ các đê quây, công trình phục vụ thi công trên sông làm cản trở dòng chảy lũ.
3. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, đặc biệt đài Truyền thanh các địa phương thường xuyên đưa tin về diễn biến bão ATND, mưa lũ để người dân biết và chủ động phòng tránh.
4. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh để chỉ đạo./.
TL