Đến năm 2030 thu hút khoảng 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp
(binhdinh.gov.vn) - Đó là một trong những mục tiêu được đề ra tại Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 04/11/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 17/8/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: baobinhdinh.vn)
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 21-CT/TW; nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có 02 trường cao đẳng được phê duyệt trường nghề chất lượng cao, trong đó có ít nhất 01 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; có khoảng 15 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong toàn quốc, khu vực ASEAN và thế giới. Và đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Để thực hiện đạt những mục tiêu trên, kế hoạch đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tổ chức quán triệt, tuyên truyền về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đổi mới chương trình, cách thức đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Ưu tiên ngân sách nhà nước và thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp. Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
UBND tỉnh yêu cầu đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị số 21-CT/TW và Kế hoạch số 72-KH/TU. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ; phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh và địa phương, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị./.