A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh

Sáng ngày 28/3/2012, BQL dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo phát triển rau an toàn phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự hội thảo có bà Kathryn Beckett, Bí thư thứ nhất phụ trách Phát triển của Đại sứ quán Niu- di lân tại Hà Nội, các Sở Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đội, BQL Khu kinh tế tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, các Bệnh viện, khách sạn trên địa bàn tỉnh.

Việc sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ là yêu cầu bắt buộc, là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển của nông nghiệp Việt Nam. An toàn vệ sinh thực phẩm (trong đó có sản phẩm rau, quả) đã và đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo và là một trong những Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhằm đảm bảo sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ và cải thiện môi sinh, thực hiện phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất rau, quả không phải là vấn đề đơn giản, dễ làm. Vì đây là vấn đề mới, liên quan đến việc thay đổi tập quán sản xuất lâu đời của người nông dân và đòi hỏi phải có một lộ trình hợp lý với những chính sách và cơ chế đồng bộ, có kế hoạch hành động cụ thể, có nguồn lực (kinh tế và kỹ thuật) tương xứng, có sự tập trung chỉ đạo của các ngành các cấp, đặc biệt là công tác tuyên truyền và vận động nâng cao nhận thức người sản xuất và người tiêu dùng gắn với công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm một cách hết sức nghiêm ngặt.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Quản lý dự án sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định chỉ đạo để thúc đẩy và nhân rộng mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn  VietGAP và thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch của Dự án Sinh kế Nông thôn bền vững tỉnh Bình Định do Chính phủ Niu-di lân tài trợ trong thời gian đến thì Sở Nông nghiệp & PTNT và Ban QLDA tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình rau an toàn VietGAP đi đôi với việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Hướng dẫn các nhóm nông dân đa dạng hóa sản phẩm; cải tiến bao bì mẫu mã; quản lý chi phí sản xuất để có giá thành sản xuất và giá bán hợp lý, không quá cao so với giá bán các loại rau bình thường; phát triển chuỗi cung, mở rộng các kênh tiêu thụ với phương thức cung ứng thuận tiện và giá cả hợp lý để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường tại Bình Định và các tỉnh lân cận. Đặc biệt là việc quản lý chất lượng sản phẩm rau một cách nghiêm ngặt, luôn giữ uy tín và thương hiệu, đây là vấn đề sống còn và bảo đảm phát triển rau an toàn một cách bền vững, đem lại sinh kế bền vững cho các hộ nông dân nghèo vùng dự án. Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng, các Hội, đoàn thể phối hợp với BQL Dự án đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về lợi ích của việc sản xuất và tiêu dùng rau an toàn, giới thiệu thông tin về sản xuất, chế biến và phân phối rau an toàn của Dự án Sinh kế Nông thôn Bền vững tỉnh Bình Định đến đông đảo người dân. Đặc biệt, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Cơ quan hậu cần của Tỉnh Đội, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các ngành các cấp trong tỉnh tích cực vận động các bếp ăn tập thể ở các trường học, khu công nghiệp, bệnh viện, doanh trại bộ đội, cơ quan, siêu thị,... sử dụng sản phẩm rau an toàn VietGAP do các nhóm nông dân của dự án sản xuất.

          Hội thảo lần này là cơ hội để các đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chứng nhận chất lượng, cơ quan quản lý chất lượng, các nhà nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật, các khách hàng tiềm năng và những người trực tiếp sản xuất rau an toàn VietGAP trao đổi thông tin và kinh nghiệm về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và tiêu thụ rau an toàn VietGAP; tạo ra sự liên kết giữa 4 Nhà trong quá trình phát triển rau an toàn VietGAP. Kết thúc Hội thảo diễn ra buổi ký kết Biên bản ghi nhớ giữa đại diện hộ nông dân 02 huyện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khách sạn Hải Âu về bao tiêu sản phẩm rau an toàn VietGAP.

          Được biết, từ năm 2010 đến nay, Hợp phần rau an toàn (RAT) được chứng nhận đã được triển khai đúng kế hoạch, đã lập hai nhóm nông dân cùng sở thích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 55 hộ tham gia sản xuất trên 3ha tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, Tuy Phước và khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn; xây dựng hai nhà máy sơ chế, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói. Sản phẩm rau an toàn đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được tiêu thụ tại các hệ thống Siêu thị Coopmart. 


Tin nổi bật Tin nổi bật