|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Hội nghị Công xưởng Neutrino

Sáng nay (22/8) tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học quốc tế Hội nghị Công xưởng Neutrino (NuFact: Neutrino Factory).

GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam) phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đây là hội nghị lớn trong chuỗi các hội nghị khoa học quốc tế của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12”  năm 2016.

Tham dự Hội nghị có 144 đại biểu quốc tế đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… trong đó các quốc gia nghiên cứu Neutrino phát triển có nhiều nhà khoa học tham dự như Nhật Bản (28), Mỹ (27), Italy (11), Thụy Sĩ (11), Anh (10), Pháp (5)…

Việt Nam có TS Cao Văn Sơn (Đại học Kyoto, Nhật), Lê Phước Trung (Đại học Tus, Mỹ) cũng tham sự hội nghị này.

Hội nghị diễn ra từ 22/8 đến 28/8, với mục đích thảo luận các vấn đề liên quan đến các dự án xây dựng nhà máy sản xuất neutrino trong tương lai; dùng dao động neutrino để khám phá các hệ thống phân cấp khối lượng của neutrino, vi phạm hương vị lepton, và các hiện tượng mới.

Hội nghị lần này là nơi các nhà khoa học thực nghiệp, các nhà lý thuyết và vật lý gia tốc chia sẻ chuyên môn để đạt được mục tiêu chung. Ban tổ chức khoa học là các giáo sư Jacques Dumarchez (Đại học Pari 6, Pháp), Takashi Kobayashi (Nhật Bản), Alain Blondel  (Đại học Geneva, Thụy  Sĩ), Jorge Morfin  (Fermilab, Mỹ).

Quang cảnh hội nghị quốc tế “Công xưởng Neutrino”.

Hội thảo công xưởng Neutrino được tổ chức lần đầu tiên ở Lyon, Pháp năm 1999, ngay sau khi phát hiện ra hiện tượng có tên gọi là “dao động neutrino”, hiện tượng đã cho thấy là neutrinos có khối lượng.

Đó đã là một bước đột phá của vật lý đương đại. Hội nghị được tổ chức luân phiên giữa 3 khu vực: Mỹ, châu Á và châu Âu, và hàng năm thu hút từ 100-200 nhà vật lý trên toàn thế giới . Năm 2015 Hội nghị tổ chức tại Brazil.

Giải thưởng Nobel trong lỉnh vực vật lý năm 2002 được trao cho 3 nhà vật lý, 2 trong số đó có có công phát hiện ra neutrino từ mặt trời, neutrino từ khí quyển trái đất và thậm chí neutrino từ vụ nỗ của các sao, hay còn gọi là siêu tân tinh. 

GS Raymond Davis quan sát neutrino từ mặt trời từ năm 1968 nhưng phải đến năm 2002, 34 năm sau ông mới nhận được giải Nobel.  Giải thưởng Nobel vật lý năm 2014 được trao cho 2 nhà vật lý Takaaki Kajita và Arthur Mc. Donal cho đóng góp liên quan đến phát hiện ra hiện tượng dao động neutrino, hiện tượng chỉ ra rằng neutrino có khối lượng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại ICISE Quy Nhơn.

Sau năm 1998, nhiều sự kiện đã diễn ra như hạt Higgs được phát hiện tại CERN năm 2012, nhiều thí nghiệm neutrino sử dụng máy gia tốc và lò phản ứng hạt nhân đã cũng cố thêm hiện tượng dao động neutrino. Đó là lý do mà nhiều dự án quốc tế về neutrino rất lớn đã ra đời, như thí nghiệm T2K, viết tắt của Tokai đến Kamioka gửi neutrino đi xa 295 km, với gần 500 thành viên, từ 61 trường đại học và viện vật lý đến từ 12 quốc gia.

Hay chương trình hợp tác cho một thí nghiệm có tên là DUNE ở Mỹ, cho đến tháng 2 năm 2016, có đến 790 hợp tác viên đến từ 144 viện và trường đại học trên thế giới. Thí nghiệm này gửi neutrino một khoảng cách 1300 km, khoảng 1/5 bán kính trái đất.

Phát biểu chào mừng Hội nghi, GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam) cho biết: “ Lần nay các nhà khoa học Nhật Bản tham gia hội nghị rất nhiều và mong đây là cơ hội rất tốt để các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực khoa học Neutrino”. Thông tin về khả năng thành lập nhóm nghiên cứu về neutrino ở Quy Nhơn là rất đáng mừng.

Theo daidoanket.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật