A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm tiến độ, chất lượng Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

(binhdinh.gov.vn) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Hội nghị của Ban Chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, diễn ra vào sáng nay (22/4).

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long kiến nghị một số nội dung nhằm triển khai thực hiện dự án đảm bảo mốc thời gian và tiến độ theo kế hoạch.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối thông suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau, có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của từng địa phương và cả nước. Dự án có chiều dài hơn 729 km với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định có tổng chiều dài khoảng 118,8 km; đi qua địa phận 08 huyện, thị xã, thành phố (Thị xã Hoài Nhơn, các huyện: Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn).

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện, thông tin về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án cũng như kiến nghị một số nội dung liên quan đến dự án.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Sau khi Bộ Giao thông vận tải và các Ban quản lý dự án giao mốc, tỉnh Bình Định đã khẩn trương triển khai các công việc liên quan. Trên cơ sở cung cấp của địa phương, Chủ đầu tư đã khảo sát, đánh giá, thống nhất lựa chọn 19 mỏ đất đắp, 28 nguồn vật liệu cát xây dựng, 32 nguồn vật liệu đá xây dựng và 23 bãi đổ thải. Bên cạnh đó, Bình Định cũng đã khảo sát, lập quy hoạch 43 khu tái định cư với diện tích 130ha và 9 khu cải táng với diện tích với diện tích 3,95ha. Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố có đường cao tốc đi qua đã thành lập Tổ phản ứng nhanh để xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép, trồng cây trái phép…

Để triển khai thực hiện dự án đảm bảo mốc thời gian và tiến độ theo kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long kiến nghị các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền chỉ định thầu đối với gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án. Đồng chí Nguyễn Phi Long cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư tập trung bàn giao đầy đủ hồ sơ, cọc mốc giải phóng mặt bằng tại hiện trường cho địa phương chậm nhất đến ngày 30/5 để địa phương triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu tiến độ; cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt khung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ dự án.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Để đạt mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương cố gắng, nỗ lực tối đa thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị quan trọng này; vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng công trình, Dự án. Các địa phương khẩn trương chỉ định đơn vị tư vấn (khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư,...) để kịp thời triển khai công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mỏ vật liệu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nút thắt về tiến độ hoàn thành Dự án. Vì vậy, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật