|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Tạo diện mạo mới, nâng chất lượng sống

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã đi qua nửa chặng đường thực hiện, các chỉ tiêu về đích nông thôn mới hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, phương châm của tỉnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là phát huy nội lực từ cộng đồng dân cư, đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân được thụ hưởng”. Vì vậy, qua sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 nhận được sự tham gia của đông đảo người dân. Trong đó, có nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả được nhân rộng; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh -sạch - đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Điển hình là mô hình: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chống rác thải nhựa, tuyến đường hoa, phân loại rác tại nguồn... do Hội LHPN tỉnh phát động, đã nhận sự tham gia của đông đảo các cấp hội phụ nữ trong tỉnh. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thực hiện 3.636 công trình, phần việc thanh niên xây dựng NTM, trong đó có làm mới, tu sửa, phát quang đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, thắp sáng đường quê, bảo vệ môi trường... Hội Nông dân tỉnh xây dựng 6 mô hình điểm về phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt tại hộ với 520 hội viên tham gia…

Phước Sơn (huyện Tuy Phước) là xã tiêu biểu của tỉnh khi phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng NTM. Nhờ đó, vào giữa năm 2023, địa phương đã hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao. Đến nay, toàn xã có hơn 16,5 km đường xã được nhựa hóa và bê tông hóa. Các tuyến đường được bảo trì hằng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định. Gần 25,8 km đường thôn, đường liên thôn và hơn 60 km đường ngõ xóm được bê tông xi măng, đáp ứng yêu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. 

Trong số này có không ít tuyến đường liên thôn, liên xã được hình thành từ ý Đảng - lòng dân, từ sức mạnh đoàn kết, sự tự nguyện của nhân dân. Đơn cử ở xóm 3, thôn Mỹ Cang có hộ Trần Văn Hải, đã tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất vườn “mặt tiền” để mở rộng đường liên thôn. Giờ đây, tuyến đường liên thôn qua xóm 3 được mở rộng từ 2 m lên 6 m, mặt đường đổ bê tông thẳng tắp.

Đầu tháng 11 năm 2023, xã Canh Hiển (huyện Vân Canh) cũng đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2022. Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, nhìn nhận: “Niềm tin và sự đồng thuận của người dân chính là nguồn lực quan trọng giúp địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM”.

Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, chia sẻ: “Đến nay, toàn xã có gần 1,7 km đường liên thôn đã thực hiện trồng các loại hoa, dọn vệ sinh môi trường thường kỳ. Đáng ghi nhận, công việc này chủ yếu được người dân ở địa phương tự nguyện thực hiện, góp phần tạo cảnh quan đường sá, khu dân cư thêm khang trang, thông thoáng hơn”.

Tuyến đường ở thôn Định Công, xã Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn) được bê tông hóa và trồng hoa làm cho diện mạo nông thôn thật sự đổi thay. Ảnh: TRỌNG LỢI

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu

Thời gian qua, phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng NTM, nhất là giai đoạn 2021 - 2025 nhận được sự tham gia của đông đảo người dân. Tiêu biểu như các xã: Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn); Cát Hanh, Cát Minh, Cát Hưng (huyện Phù Cát); Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ); Ân Tường Tây, Ân Tín (huyện Hoài Ân); Phước Sơn, Phước Nghĩa, Phước Quang (huyện Tuy Phước); Hoài Hải, Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn)... Nhờ đó mà các địa phương đã đạt các tiêu chí và về đích trong xây dựng NTM cũng như hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo kế hoạch, Bình Định phấn đấu đến năm 2025, có 85% số xã đạt chuẩn NTM (tương đương 94/111 xã), trong đó, có 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu này, vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là yếu tố then chốt.  

Phước Quang (huyện Tuy Phước) được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Ông Đoàn Văn Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, cho hay: Để hiện thực hóa mục tiêu này, xã phải hoàn thiện 3 tiêu chí bắt buộc trong Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, trong đó có mô hình thôn thông minh. Ngoài chọn An Hòa để thực hiện thôn thông minh, địa phương chọn tiêu chí kiểu mẫu về chuyển đổi số (tiêu chí tự chọn trong bộ tiêu chí dành cho xã xây dựng NTM kiểu mẫu). Ðây là áp lực không nhỏ đối với chính quyền và nhân dân xã, song nhờ sự đồng thuận của người dân, đến nay xã đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, phấn đấu về đích vào cuối năm 2023.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, đề nghị: Các sở, ngành cần xác định nội dung xây dựng NTM phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan có liên quan. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng NTM của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

“Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, trong đó có nguồn lực của địa phương; thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn NTM thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình giai đoạn 2021 - 2025”, ông Chương nhấn mạnh. 

 


Tác giả: TRỌNG LỢI
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật