A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề cao trách nhiệm của Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo đáng chú ý của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh đến năm 2025 theo Thông báo số 294/TB-UBND ngày 24/7/2024 của UBND tỉnh

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang: trong năm 2023, việc thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, nổi bật đó là: (i) Mức độ quan tâm sâu sát, đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. (ii) Cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng và đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. (iii) Kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được tăng cường. (iv) 03/04 chỉ số cải cách hành chính thăng hạng so với năm 2022, bao gồm: Chỉ số PAPI đạt 43,58 điểm, xếp hạng 19/61 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAR INDEX đạt 87,29 điểm, xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS đạt 83,73%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là những tồn tại mang tính cố hữu đã kéo dài, trì trệ qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục; một số nội dung tiêu chí thành phần giảm điểm so với năm 2022 hoặc không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đó là: “Cung ứng dịch vụ công” thuộc Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS; “Cải cách chế độ công vụ”, “Cải cách tài chính công” của Chỉ số PAR INDEX; “Tiếp cận đất đai”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Tính năng động của chính quyền địa phương” thuộc Chỉ số PCI. Cán bộ, công chức cấp xã mặc dù đã được quan tâm đào tạo, sắp xếp, kiện toàn, củng cố tuy nhiên chất lượng vẫn chưa đáp ứng cho yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phương thức triển khai thực hiện nhiệm vụ có nơi còn hình thức, chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên kiểm tra, đánh giá.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do: (i) Người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; một số nơi còn giao khoán cho bộ phận công chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; không quan tâm đến việc chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện; thiếu các giải pháp mang tính đột phá. (ii) Năng lực tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt ở cơ sở còn nhiều hạn chế. (iii) Tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. (iv) Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương tuy đã được tăng cường nhưng chưa thật chặt chẽ, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chưa tham gia tích cực vào công việc chung. (v) Các mô hình hay, sáng kiến mới trong cải cách hành chính còn ít và chưa được nhân rộng.

Năm 2024 là năm quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong “Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025” và trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhất là phấn đấu hoàn thành mục tiêu kết quả Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước, thuộc nhóm 03 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Chủ động rà soát, đánh giá lại toàn bộ các nội dung đạt điểm thấp hoặc giảm điểm so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 để có giải pháp kịp thời khắc phục, cải thiện. Trong đó lưu ý, đối với các chỉ số thành phần đạt thấp, còn dưới mức điểm trung bình thì phải có giải pháp mang tính đột phá để tạo sự chuyển biến rõ nét ngay trong năm 2024. Đặc biệt là những vấn đề tồn tại đã xác định được nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố mang tính chủ quan của Người đứng đầu, cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước thì phải kiên quyết, tập trung khắc phục ngay.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao kết quả các chỉ số theo Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND tỉnh và tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị mình đề ra những giải pháp khả thi, phù hợp; phân công trách nhiệm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí thành phần, rõ thời gian và rõ kết quả (khuyến khích các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn). Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp và trước UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch nêu trên.

3. Tiếp tục phân tích, đánh giá một cách nghiêm túc, thực chất, đúng mức về kết quả giải quyết thủ tục hành chính: mặc dù tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn cao nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng. Vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm không chỉ là rút ngắn thời gian mà là chất lượng dịch vụ, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, tính công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp, từ đó có giải pháp đúng đắn, phù hợp để cải thiện và nâng cao Chỉ số SIPAS.

4. Về nội dung thành phần “Cải cách tài chính công” thuộc Chỉ số PAR INDEX, ngoài việc xác định danh mục các dịch vụ công mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm, khẩn trương tham mưu, đề xuất ban hành đầy đủ định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở đổi mới cơ chế về tài chính, thay vì giao dự toán theo định mức biên chế chuyển sang giao nhiệm vụ và đặt hàng trên cơ sở đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ để tạo sự chủ động cho Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trong điều hành công việc.

5. UBND cấp huyện, cấp xã tích cực thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung về cải cách hành chính. Triển khai hiệu quả và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với các nội dung liên quan trong Chỉ số PAPI với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chú trọng đến các vấn đề người dân cần quan tâm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính quyền khi người dân có yêu cầu và đảm bảo công khai, minh bạch. Trong đó, quan tâm đến các nội dung thành phần: “Quản trị môi trường”, “Quản trị điện tử” gắn với việc triển khai các quy định của pháp luật về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh tại địa phương.

6. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách đã ban hành và đánh giá kết quả thực hiện, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách áp dụng không hiệu quả để từng bước hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của công tác cải cách hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

7. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham khảo các địa phương thực hiện tốt việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công (trong đó có UBND Thành phố Hà Nội) để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tài chính công trên địa bàn tỉnh.

8. Giao Sở Nội vụ - Cơ quan thường trực cải cách hành chính của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính; tham mưu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; sắp xếp tổ chức bộ máy; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức; thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đánh giá tình hình và kịp thời đề xuất các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế ngay trong quá trình triển khai thực hiện; định kỳ hằng tháng phải có báo cáo đánh giá và xác định cụ thể những nhiệm vụ cần phải tiếp tục thực hiện cho tháng kế tiếp theo quy định tại Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 05/7/2024 của UBND tỉnh.

9. Giao Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch, chương trình công tác của UBND tỉnh; làm đầu mối, phối hợp, hướng dẫn các sở, ngành về phương pháp xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh; chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt công tác truyền thông về Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

10. Giao Công an tỉnh chủ trì, rà soát, đôn đốc việc tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 theo kế hoạch, chương trình công tác của UBND tỉnh, nhất là các nhiệm vụ được Trung ương giao cho địa phương cấp tỉnh. Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy người dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản VNeID; trong đó, nghiên cứu, đề xuất nhiều tiện ích của ứng dụng VNeID để người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng và hưởng ứng, tự nguyện, tự giác tham gia sử dụng./.


Tác giả: Dũng Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật