|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 13/11/2023, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 71/2023/QĐ-UBND Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tỉnh Bình Định.

Khai mạc Lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã tại thị xã An Nhơn (Ảnh: snv.binhdinh.gov.vn)

Quy chế này gồm 4 Chương, 19 Điều; quy định về quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCCVC tỉnh Bình Định.

Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (sau đây gọi chung là cấp xã).

4. CBCCVC và cán bộ, công chức cấp xã quy định tại các mục 1, 2, 3 nêu trên sau đây gọi chung là CBCCVC.

Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng

1. Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý CBCCVC, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả.

Tổ chức thực hiện

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh; triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng CBCCVC được UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước theo phân cấp quản lý CBCCVC. Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cử CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo quy định. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo quy định. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nội vụ kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh theo quy định.

Sở Tài chính chủ trì tổng hợp, thẩm định dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh theo quy định. Trình UBND tỉnh phân bổ dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh theo quy định. Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo quy định.

Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực theo ngành, lĩnh vực; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo giai đoạn và hằng năm và tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền. Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo kế hoạch của tỉnh bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chỉ tiêu được UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo vị trí việc làm, chịu trách nhiệm về nội dung tài liệu bồi dưỡng; thực hiện đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo quy định. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc phạm vi quản lý.

Quyết định số 71/2023/QĐ-UBND ngày 13/11/2023 của UBND tỉnh có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2023.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật