|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HĐND tỉnh khóa XIII tiến hành kỳ họp thứ 13

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 10/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề lần thứ 7) để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền. Tham dự kỳ họp có 51/55 đại biểu HĐND tỉnh. Các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, Huỳnh Thúy Vân chủ trì kỳ họp. 

Tham dự kỳ họp còn có Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh vai trò của HĐND tỉnh và trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh trong việc xem xét, quyết định những vấn đề cấp thiết liên quan đến đời sống, sản xuất của người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc tổ chức kỳ họp chuyên đề lần này phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây cũng là sự chia sẻ trách nhiệm, đồng hành, chủ động phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh đối với lãnh đạo UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong việc điều hành của UBND tỉnh.

Quang cảnh kỳ họp

Tại kỳ họp, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi, Ủy viên UBND tỉnh thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo thuyết trình các nội dung Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Cụ thể gồm: Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2023. Trong đó, đối với nguồn vốn tập trung, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trên 23,143 tỷ đồng từ 29 danh mục, công trình mà đến ngày 18/10/2023 chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không có khả năng giải ngân kế hoạch vốn trong các tháng còn lại của năm 2023 bố trí bổ sung thanh toán cho 4 dự án đã có sẵn khối lượng thực hiện nhưng đến nay chưa bố trí đủ kế hoạch vốn để thanh toán.

Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trên 17,035 tỷ đồng từ 50 danh mục, công trình đến 18/10/2023 chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hết khối lượng thanh toán trong năm để bố trí bổ sung thanh toán cho 2 dự án đã có sẵn khối lượng thực hiện nhưng chưa bố trí đủ kế hoạch vốn để thanh toán.

Các đại biểu dự họp

Điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư kéo dài thời gian thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc khu Nhà ở xã hội Nhơn Bình, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn từ năm 2021 - 2023 thành từ năm 2021 - 2024; điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Long Vân (khu A2) phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, từ năm 2019 - 2023 thành từ năm 2019 - 2024; điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Đông chợ Dinh mới, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, từ năm 2018 - 2023 thành từ năm 2018 - 2024; điều chỉnh, bổ sung Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường thay thế tuyến đường Trần Phú, thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, nay là phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn, từ năm 2019 - 2023 thành từ năm 2019 - 2024; điều chỉnh, bổ sung thời gian thực hiện Dự án Khu vực 1, Khu dân cư dọc QL 19 mới, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, từ năm 2020 - 2023 thành từ năm 2020 - 2024.

Tiếp đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết HĐND thuộc chức năng của Ban.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, các dự án khi triển khai thực hiện đều có tác động đời sống của người dân ở cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, việc điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án cần tính toán kỹ và dự lường thời gian hoàn thành đảm bảo cuộc sống người dân. Các địa phương cần tập trung hơn công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư cần đôn đốc các nhà thầu tập trung thi công đối với dự án khối lượng hoàn thành thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề tại kỳ họp

Giải trình, làm rõ xung quanh vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, tới thời điểm này, nguồn vốn do tỉnh quản lý hơn 9.600 tỷ đồng, đã giải ngân gần 68,4%, trong đó, nguồn vốn Trung ương giao khoảng 2.800 tỷ đã giải ngân đạt 79%. Giải ngân đầu tư công của tỉnh đứng thứ 9/63 tỉnh thành. Lo lắng nhất là công tác giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ giải ngân đạt 37,6%. Tỉnh đang nỗ lực chỉ đạo giải ngân hoàn thành phần vốn của các Chương trình mục tiêu Quốc gia kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư của các địa phương cấp huyện hiện mới chỉ đạt 45%, đây cũng là vấn đề đáng lo.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: mục tiêu của tỉnh trong năm nay là giải ngân 100% vốn của trung ương và 95% vốn ngân sách địa phương. Để đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án đầu tư công trên địa bàn, hạn chế tình trạng điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: tỉnh sẽ tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công, có biện pháp kỷ luật nghiêm minh đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ; chấn chỉnh việc nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu bế mạc kỳ họp

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng, hiện nay vướng nhất trong giải ngân vốn đầu tư công là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, việc triển khai chuẩn bị đầu tư của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tốt. Dẫn chứng là có 64 dự án đến nay vẫn chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra, còn có nguyên nhân về thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian. Năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế, chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác.

Để công tác đầu tư công đạt hiệu quả, đồng chí Hồ Quốc Dũng chỉ đạo, với các dự án đề nghị kéo dài sang năm 2024 nếu không triển khai thực hiện xong trong năm sẽ không cho kéo dài nữa. Đặc biệt, những công trình nào không có lý do chính đáng mà chủ đầu tư trình cơ quan thẩm quyền ký gia hạn thì các tập thể, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm và tỉnh sẽ cho thanh tra vào cuộc đối với các dự án này. UBND từ cấp tỉnh đến cấp xã phải rà soát lại năng lực của các chủ đầu tư, các nhà thầu. Các chủ đầu tư, nhà thầu nào làm chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng thì ngoài xử phạt, tỉnh sẽ không cho thực hiện các dự án tiếp theo trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng nhấn mạnh: nguồn vốn đầu tư công điều chuyển, kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 phải sử dụng hết trong năm nay, địa phương nào, chủ đầu tư nào không thực hiện được phải chịu trách nhiệm gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Các địa phương hạn chế tối đa việc trình để kéo dài vốn đầu tư công từ năm 2023 sang năm 2024. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có phương án chuẩn bị kế hoạch cụ thể, chu đáo cho công tác đầu tư công trong nhiệm kỳ tới.

Tiếp đó, các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp đã biểu quyết thông qua 07 Nghị quyết của kỳ họp với sự nhất trí cao của 100% đại biểu tham dự.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Để tổ chức, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2023 và các Nghị quyết vừa được thông qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị: Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2023, có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để đạt kết quả cao nhất. Trước mắt, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, gắn với giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới phương pháp chỉ đạo điều hành theo phương châm “Sát việc - Cụ thể - Kịp thời - Hiệu quả”; trên tinh thần đó, chấn chỉnh đạo đức công vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII dự kiến khai mạc vào đầu tháng 12 năm 2023 với nhiều nội dung quan trọng, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị tốt các nội dung trình kỳ họp đảm bảo chất lượng, thời hạn theo quy định. Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường hơn nữa trong giám sát, nhất là giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường công tác giám sát theo chức năng của Mặt trận, kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh trên từng lĩnh vực cụ thể, nhất là những Nghị quyết tác động đến lợi ích của người dân và những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm.


Tác giả: Trang Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật