A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện công tác chính quyền địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương về công tác tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND các cấp; ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp với nhiều nội dung, quan điểm, cách làm mới nhằm đề cao và phát huy được trí tuệ, trách nhiệm, quyền hạn của tập thể chính quyền địa phương và xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp.

Theo báo cáo số 214/BC-UBND ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh, năm 2022, công tác chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra tiếp tục có sự đổi mới, đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 3.093 cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã; 1.738 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; 2.812 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố; 4.642 người tham gia công việc ở thôn, khu phố. Nhìn chung, các địa phương đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho CBCC theo quy định hiện hành; công tác đánh giá, xếp loại CBCC cuối năm đúng trình tự, khách quan, dân chủ theo phân cấp quản lý CBCC. Đồng thời, các địa phương cũng thực hiện đầy đủ, đảm bảo các chế độ, chính sách về phụ cấp, mức bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố và người tham gia công việc ở thôn, khu phố theo quy định; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, khu phố và mức khoán kinh phí hoạt động đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh có 1.116 thôn, khu phố; trong đó, có 773 thôn và 343 khu phố, được tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 59/2019/QĐ-UBND ngày 13/12/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bình Định. Năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức bầu ra 773 Trưởng thôn, 334 Trưởng khu phố và lựa chọn chỉ định 276 Phó Trưởng thôn, Phó Trưởng khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025 theo đúng quy trình, thủ tục quy định. Đây là lực lượng quan trọng để đưa đường lối, chủ trương của đảng chính sách, pháp luật của nhà nước và các văn bản quy định của các cấp, các ngành đến từng người dân.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, UBND tỉnh đã đề các nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và công tác bầu, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã theo đúng quy trình, thủ tục quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định, đảm bảo chính quyền địa phương các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ thông minh, kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp các loại hình dịch vụ công tại địa phương. Đối với công tác địa giới hành chính, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với UBND huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm 02 tuyến địa giới hành chính cấp huyện: (1) giữa huyện Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn, (2) giữa huyện Tây Sơn và huyện Phù Cát. Quy định chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố đảm bảo theo đúng Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp thực hiện như sau: Xây dựng chính quyền chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phải hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, cải cách tốt thủ tục hành chính, thân thiện, phục vụ tốt cho Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả quản lý đồng thời tăng cường, phát huy hơn nữa tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương khi thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công vụ đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao và Chương trình chuyển đổi số của tỉnh và Chính phủ./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật