A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Thành Cha

(binhdinh.gov.vn) Chiều nay (18.12), Sở VH-TT&DL phối hớp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Thành Cha (thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn). Tham dự buổi báo cáo có đại diện Cục Di sản Văn hóa (thuộc Bộ VH-TT&DL), Viện Khảo cổ học Việt Nam.

Quang cảnh buổi báo cáo.

 

Thành Cha là một trong hệ thống thành cổ Chăm-pa còn lại trên đất Bình Định, được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật năm 2003. Với mục đích làm rõ quy mô kiến trúc, chức năng của di tích Thành Cha trong lịch sử, từ ngày 11.11.2015 Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảng tàng Tổng hợp Bình Định và Ban Quản lý Di tích tỉnh tiến hành khai quật di tích Thành Cha trên diện tích 440m2.

Tại vị trí khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 3 lớp kiến trúc với quy mô mặt bằng kiến trúc khác nhau nằm xếp chồng lên nhau, kế thừa nhau và được sử dụng liên tục. Di tích sớm nhất có mặt bằng và chức năng nhất là đền thờ thuộc (lớp kiến trúc 1). Về di vật, thu được khoảng 6.691 di vật, bao gồm các vật liệu kiến trúc như gạch, ngói, đồ sinh hoạt bằng đất nung, đò đá...Trong số những di vật thu được có hơn 488 mảnh gốm thô sa huỳnh, các di vật đang trong quá trình phân loại, chỉnh lý, nghiên cứu và so sánh. Về niên đại, qua so sánh quy mô, mặt bằng kiến trúc, vật liệu xây dựng, niên đại của di tích được nhận định có thể ở vào thế kỷ 4 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên. Về công năng, dựa vào các phát hiện về nền kiến trúc hình chữ nhật, di tích hố thiêng, nhiều ngói ấm cùng một số di vật thu được trong phạm vi hố khai quật, đoàn khai quật đưa ra nhận định tại Thành Cha có thể đã tồn tại kiến trúc đền thờ ở giai đoạn đầu, khi khu vực này còn là thủ phủ của châu Vijaya (Thế kỷ 4 - 6 đến trước trước thế kỷ 10).

Trên cơ sở kết quả điều tra khai quật, đặc biệt là dựa vào bản vẽ mặt bằng tổng thể có độ tin cậy cao, nhóm khảo cổ cho biết đây là cơ sở giúp nhận diện và đánh giá được giá trị di tích Thành Cha trong lịch sử và góp phần tìm hiểu bào tồn, quảng bá và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích quan trọng này.

Các nhà khảo cổ cũng kiến nghị địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn di tích Thành Cha, nghiêm cấm việc xây dựng các công trình công cộng, dân dụng và các hành động vi phạm đến cảnh quan môi trường và hiện trạng di tích thành. Để hiểu biết cụ thể và đầy đủ hơn về kinh đô Vijaya và vị trí vai trò của nó trong lịch sử Chăm Pa cần tiếp tục khai quật, nghiên cứu Thành Cha trong những năm tiếp theo./.

 

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thanh


Tin nổi bật Tin nổi bật