|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Đầu tư hệ thống giao thông thúc đẩy phát triển vùng DTTS

Hoài Ân là huyện trung du miền núi của tỉnh Bình Định, có 2 xã tập trung đông đồng bào DTTS là Đăk Mang và Bok Tới. Những năm qua, ngoài việc tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, lãnh đạo huyện xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân.

Từ nguồn vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Hoài Ân tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối các xã vùng cao

Từ nguồn vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Hoài Ân tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, đặc biệt ở các xã vùng cao rất bài bản, từ đó, tạo sức bật cho các địa phương phát triển. Tuyến đường từ xã Ân Hữu đi xã Đak Mang (đoạn Xuân Sơn và đoạn cầu Nước Lương đi thôn T6 xã Đak Mang) dài hơn 4,3 km, kinh phí hơn 19 tỷ đồng là một điển hình. 

Từ khi được đầu tư nâng cấp, việc đi lại của bà con dễ dàng hơn. Bà Đinh Thị Thoan, thôn 10, xã Đak Mang phấn khởi nói: Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho đồng bào miền núi rất nhiều chính sách, nhất là việc xây dựng những con đường bê tông rộng lớn, kiên cố đã giúp bà con đi lại thuận lợi và phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa dễ dàng. 

Ông Đinh Văn Khang, ở xã Đắk Mang cũng rất phấn khởi cho hay: Từ khi con đường bê tông nối từ xã Ân Hữu đến trung tâm xã Đắk Mang được sửa chữa, nâng cấp, việc đi lại, chuyên chở nông sản của bà con khỏe hơn nhiều. Bây giờ, người đồng bằng có gì thì người miền núi có nấy, đời sống khá hơn xưa rồi.

Từ năm 2022, huyện Hoài Ân đã chú trọng đầu tư nâng cấp các tuyến đường đi các xã miền núi như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Bù Nú đi các thôn T4, T5 dài 6,2 km, với tổng mức đầu tư trên 29,7 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường Ân Hữu - Đăk Mang (đoạn Xuân Sơn và đoạn cầu Nước Lương đi thôn T6 xã Đăk Mang dài 4,4 km, với tổng mức đầu tư trên 17,46 tỷ đồng).

Cùng với đó, UBND huyện Hoài Ân đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Mục Kiến, xã Ân Đức đi trung tâm xã Đăk Mang với tổng vốn 69,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 và vốn ngân sách huyện. 

Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng và đồi; tốc độ thiết kế 30 km/giờ; nền đường rộng 6,5 m; mặt đường rộng 5,5 m; dài trên 9,6 km và được chia thành 5 đoạn. Dự kiến tháng 6/2023, dự án hoàn thành tạo thành tuyến giao thông chính kết nối xã vùng cao Đăk Mang với trung tâm huyện Hoài Ân và đi qua các xã Ân Hữu, Ân Đức.

Ông Đinh Hồng Nhé - Chủ tịch UBND xã Đăk Mang, cho hay: Toàn xã có 430 hộ dân với hơn 5.000 gia cầm, gia súc và trồng rừng, cây ăn trái. Việc UBND huyện Hoài Ân đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối xã tới trung tâm huyện thuận lợi cho việc định hướng người dân phát triển kinh tế dựa vào đặc thù của địa phương đạt hiệu quả cao.

Một trong những công trình lớn, vừa được khởi công xây dựng là cầu Hiệp Định, với tổng chiều dài 118 m, tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 10/2023. Đây không chỉ là cây cầu vượt lũ, “phao cứu sinh” đối với hơn 1.000 người dân thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa mỗi khi lũ lụt, mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất.

Cầu Hiệp Định sau khi hoàn thành sẽ là chiếc “phao cứu sinh” đối với người dân thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa

Bà Trần Thị Anh, ở thôn Phú Ninh kể: Cầu tràn này được xây dựng từ năm 1998, cứ đến mùa mưa lũ, người dân ở thôn bị chia cắt hoàn toàn, lũ trẻ phải nghỉ học chờ nước rút. Hằng năm, chúng tôi đều lo mua sắm lương thực dự trữ để mưa to, bị chia cắt không thiếu ăn. Cầu Hiệp Định mới đang được xây dựng sẽ giúp người dân Phú Ninh có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, đặc biệt là “chạy lũ” an toàn cho người và gia súc, gia cầm. Niềm mong ước từ bao đời nay của chúng tôi nay đã sắp thành hiện thực.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Là huyện nông nghiệp, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở huyện đang rất cần thiết. UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Hoài Ân, với vai trò là đại diện chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hiện trường các công trình thi công. Đồng thời, có các biện pháp quản lý chất lượng, chấn chỉnh hệ thống tự quản lý chất lượng của các nhà thầu thi công nhằm đảm bảo chất lượng xây dựng. 

"Hoài Ân có được diện mạo đô thị mới như ngày hôm nay, là nhờ sự quan tâm của các cấp ngành, cùng sự đồng lòng hưởng ứng của người dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đầu tư, hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống bằng cách chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp", Phó Chủ tịch huyện Hoài Ân chia sẻ thêm.


Tác giả: Thành Nhân
Nguồn:baodantoc.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật