|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Tập trung giải quyết sinh kế cho đồng bào DTTS

Trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã chủ động, tích cực tham mưu sớm, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Trong đó, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN, với nhiệm vụ ưu tiên giải quyết những vấn đề sinh kế cấp thiết cho đồng bào DTTS.

Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bình Định đang có nhiều khởi sắc

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định, sinh sống tập trung ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát. Toàn tỉnh có 39 DTTS. Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định có 1 huyện nghèo (An Lão), 22 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 7 thôn DTTS đặc biệt khó khăn ở 5 xã không thuộc vùng DTTS&MN. 

Theo Ban dân tộc tỉnh Bình Định, để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện có liên quan, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện theo quy định các dự án, tiểu dự án thành phần. Qua đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Trong năm 2022, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong đó, đã thực hiện và giải ngân đạt 100% kế hoạch cấp muối i-ốt cho hộ DTTS tại các huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân (kinh phí thực hiện 1,55 tỷ đồng); thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các DTTS giai đoạn 2015 - 2025”; thực hiện các chính sách đối với Người có uy tín; bồi dưỡng kiến thức dân tộc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS...

 Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc triển khai Chương trình MTQG, là đưa huyện An Lão thoát nghèo vào năm 2025. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở…

Ngoài ra, tỉnh Bình Định đã ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH liên kết vùng, các công trình thiết yếu trên địa bàn huyện phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: công trình giao thông, cầu, hạ tầng điện phục vụ dân sinh, sản xuất; công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia; công trình y tế đạt chuẩn quốc gia; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao... 

Riêng năm 2022, An Lão được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hỗ trợ đầu tư 20 công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng 2 công trình, với hơn 1,7 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Định quan tâm triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả ở vùng DTTS&MN

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Xác định việc thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, chính là cú hích quan trọng để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh kiện toàn bộ máy tổ chức, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần gồm: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư; Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN; Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp; Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN và kế hoạch phát huy vai trò của lực lượng cốt cán và Người có uy tín; Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo ANTT vùng đồng bào DTTS&MN…

Mục tiêu của tỉnh Bình Định là đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% - 4%; phấn đấu khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS hộ nghèo; phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát cho 100% số hộ DTTS nghèo....

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhìn nhận, vai trò của Ban Dân tộc trong việc thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh là hết sức quan trọng. "Thời gian tới, đơn vị cần kịp thời rà soát các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS, trong đó giải quyết những sinh kế sát sườn cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu", Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn lưu ý.


Tác giả: Lê Phương
Nguồn:baodantoc.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật