Bộ Thông tin truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật công nghệ thông tin
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bình Định.
Ngày 29/6/2006, Quốc hội đã ban hành Luật Công nghệ thông tin, văn bản pháp lý cao nhất trong việc quyết định thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Qua hơn 10 năm thực hiện, ngành công nghệ thông tin Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thực sự trở thành một ngành hạ tầng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế như tinh thần Nghị quyết 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị.
Hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT ở các cấp trên toàn quốc đã từng bước được xây dựng và kiện toàn tại trung ương và địa phương. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngày càng hoàn thiện.
Về hạ tầng CNTT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xã hội. Việc ứng dụng CNTT góp phần tạo bước đột phá trong hoạt động cải cách hành chính Nhà nước, thông qua việc xử lý văn bản, tài liệu trên môi trường điện tử; sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu hỗ trợ trong xử lý công việc.
Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội với hàng chục triệu hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4...Theo báo cáo chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước, tăng 10 bậc so với năm 2014.
Công nghiệp CNTT, đặc biệt là công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và nội dung số duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân gần 30%/năm, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP của đất nước. Tỷ lệ người dân Việt Nam được phổ cập internet đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. CNTT được phổ cập ở hầu hết các trường THPT và gần 80% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Nhân lực làm việc trong ngành CNTT hướng tới cột mốc 1 triệu lao động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, Luật CNTT còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Sự trùng lặp, không thống nhất giữa các quy định của Luật CNTT với các luật, văn bản dưới luật khác; luật còn thiếu các quy định phù hợp thực tiễn phát triển CNTT hiện nay; sự chồng chéo trong thực thi quản lý Nhà nước giữa các cơ quan trong một số lĩnh vực CNTT;…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam khẳng định, 10 năm qua, Luật CNTT đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của ngành CNTT. Luật ra đời thiết lập nên hành lang pháp lý cho việc thực hiện mục tiêu hình thành, phát triển xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu xu thế phát triển công nghệ, mô hình kinh tế tiên tiến, triển khai Đề án hiện đại hóa Khung pháp lý về CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung trùng lặp, chưa thống nhất giữa Luật CNTT năm 2006 với các văn bản luật, dưới luật khác nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật…/.
Tin, ảnh: N.T.T