A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước tiến trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hoạt động không còn xa lạ trên thế giới và hiện đang có xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam. Mục đích của hình thức này nhằm hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, tạo thêm tiện ích cho các chủ thể tham gia thanh toán, giảm thiểu chi phí xã hội, đồng thời giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ các giao dịch kinh tế, đảm bảo xác định đúng nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, giảm thiểu hành vi bán hàng nhưng không kê khai thuế. Mặt khác, kinh tế không dùng tiền mặt còn góp phần giảm thiểu các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Bình Định năm 2020.

Ngày 30/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng TTKDTM khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng. Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện (Financial Inclusion); tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Và trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 cũng đặt ra mục tiêu đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% vào cuối năm 2020 và xuống 8% vào cuối năm 2025. 

Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt cho các hoạt động mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giao dịch các món hàng xa xỉ, có giá trị cao, đặt tour du lịch, đặt vé máy bay, vé tàu xe, dịch vụ lưu trú, tham quan, giải trí hoặc thanh toán đối với các dịch vụ công, trả tiền hóa đơn (điện, nước, viễn thông…). Việc thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng hoặc qua ứng dụng tiện ích trên thiết bị di động có kết nối mạng.

Tại Bình Định, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020; trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này. Mục tiêu đến cuối năm 2020: 90% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận thẻ cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

* Kết quả bước đầu:

Năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh thực hiện nâng cấp, mở rộng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng – IBPS; hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ - ACH; hệ thống thanh toán và kế toán khách hàng – IPCAS (Agribank); kênh thanh toán song phương trực tiếp với các ngân hàng: BIDV, AgriBank, KBNN… (Vietinbank); dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam - NAPAS (thông qua công kết nối tập trung tại Trụ sở chính) kết nối giao dịch thanh toán với tất cả các Ngân hàng trên toàn quốc (Vietinbank). Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục đóng vai trò là hệ thống thanh toán quan trọng, giao dịch thanh toán được thực hiện nhanh, kịp thời, an toàn và chính xác, phục vụ tốt phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiệu quả kinh tế và hoạt động của hệ thống Ngân hàng trên địa bàn. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Bình Định cũng đã phối hợp với BIDV Chi nhánh Bình Định triển khai thí điểm thành công trong năm 2019 và triển khai chính thức từ đầu năm 2020 việc thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt đối với một số thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí được tiếp nhận, trả kết quả trực tuyến hoặc tại các quầy của Trung tâm.

Từ chủ trương đúng và cách làm quyết liệt như trên đã tạo ra những xung lực mạnh mẽ kích thích các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh triển khai hàng loạt các sản phẩm, công nghệ thanh toán điện tử như: dịch vụ POS; Smartbanking; QR-Pay; ví điện tử MoMo; ứng dụng thanh toán MOCA; Samsung Pay; ví Sacombank Pay; ví điện tử IPAY; các hệ thống thanh toán trực tuyến mới như thu hộ học phí qua eFast, dịch vụ thanh toán POS Contactless; dịch vụ BIDV Pay+, QR VNPay; dịch vụ thanh toán 3D Secure, dịch vụ thanh toán và chấp nhận thẻ không tiếp xúc contecless; Agribank E-Mobile Banking, … ; nhiều chính sách gia tăng tiện ích cho các khách hàng sử dụng thẻ như: chính sách phát hành thêm/chuyển đổi hạng thẻ; chính sách ưu đãi cuộc sống dành cho khách hàng quan trọng; chương trình tích lũy điểm thưởng…; nhiều chương trình quảng bá, khuyến mại khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ như: miễn giảm phí chiết khấu cho ĐVCNT (Agribank Bình Định); hoàn tiền, ưu đãi dịch vụ, chiết khấu giá trị hành hóa, trả góp lãi suất 0% (Vietinbank Bình Định); miễn phí phát hành cho các đối tượng phát hành thẻ ghi nợ nội địa với số lượng lớn như trường học, đơn vị chi lương, tùy vào đối tượng có thể miễn phí SMS thông báo số dư (Vietinbank Bình Định); chương trình khuyến mại thúc đẩy thanh toán thẻ GNNĐ trên POS «Quẹt thả ga, quà thiệt đã cùng thẻ BIDV NAPAS» (BIDV); chương trình khuyến mại cho các ĐVCNT để thúc đẩy kinh doanh POS có hiệu quả (BIDV); chương trình lướt thẻ hoàn tiền, lướt thẻ nhận quà (ACB); chương trình cấp mã số trúng thưởng là ô tô, xe máy, du lịch nước ngoài khi thanh toán thẻ (KienLongbank)...

Bên cạnh những thành công bước đầu kể trên, hoạt động này vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc như: Thói quen dùng tiền mặt của đại bộ phận người dân cư rào cản lớn nhất trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay; khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của một số bộ phận dân cư còn hạn chế dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn trả lương, thu nhập cho người lao động bằng tiền mặt; việc tiếp cận và triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các NHTMCP ở một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp còn gặp khó khăn; việc triển khai thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt ở cấp huyện, cấp xã còn chậm; tình hình tội phạm công nghệ cao, tội phạm về chiếm đoạt tài sản thông qua thanh toán điện tử diễn biến ngày càng phức tạp và đã xảy ra tại địa bàn tỉnh dẫn đến sự lo ngại của khách hàng…

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền kinh tế số,… mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử và các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, số lượng đối tác kinh tế, thương mại của Việt Nam thông qua hiệp định thương mại tự do (FTA) lên đến hàng chục đối tác sẽ giúp cho thương mại điện tử và các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo đó, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở thành phổ biến ở Việt Nam, bắt kịp với xu hướng chung của thế giới.

Trong thời gian tới, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt;  nghiên cứu, đề xuất, triển khai ứng dụng rộng rãi các phương thức thanh toán điện tử trên các ngành, lĩnh vực để mang lại kết quả cao hơn trong thực thi nhiệm vụ, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho công tác thanh toán và quản lý tài chính ngân sách; tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian đủ điều kiện theo quy định được tham gia trong hoạt động thanh toán chi phí dịch vụ công không dùng tiền mặt. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp ở địa phương, bản thân ngành ngân hàng phải chủ động triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật, nâng cao chất lượng dịch vụ trong thanh toán điện tử để thu hút tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia./.

Nguyễn Công Đệ


Tin nổi bật Tin nổi bật