A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC KHUYẾN CÔNG: Góp phần phát triển công nghiệp khu vực nông thôn

Những năm qua, công tác khuyến công (KC) ở tỉnh ta đã từng bước được củng cố, phát triển và đạt hiệu quả tích cực. Qua đó, đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn (KVNT), góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Hiệu quả tích cực

Trong giai đoạn 2005-2010, từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (TTKC)  đã hỗ trợ 9,25 tỉ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng các làng nghề truyền thống (LNTT). Ngoài ra, từ năm 2005 đến nay, các chương trình KC của tỉnh cũng đã hỗ trợ 4,84 tỉ đồng để xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở KVNT. Phần lớn nguồn kinh phí được ưu tiên để thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống; du nhập và đào tạo nghề mới; hỗ trợ lập dự án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở KVNT. Trong đó, TTKC đã đầu tư trên 2 tỉ đồng tổ chức đào tạo và truyền nghề mới cho gần 4.000 lao động. Ngoài ra, TTKC còn hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ như: Chuyển giao kỹ thuật xử lý nước thải sau chế biến tinh bột mì tại làng nghề Bình Tân (Tây Sơn); xử lý nồng độ cồn trong rượu Bàu Đá (An Nhơn); xây dựng mô hình lò gạch nung liên tục kiểu đứng tại huyện Tây Sơn…

Ông Nguyễn Bá Tài, Giám đốc TTKC tỉnh, cho biết: Thông qua các chương trình KC, nhiều ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy sản xuất công nghiệp ở KVNT phát triển. Nếu như năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp ở KVNT chiếm tỉ trọng dưới 25% so với tổng giá trị SXCN toàn tỉnh, thì hiện con số này đã tăng lên gần 30%.

Mục tiêu mới

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác KC ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại như: Số học viên bỏ nghề sau đào tạo còn cao; đầu ra của sản phẩm còn khó khăn do công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả; việc xây dựng các mô hình trình diễn còn gặp khó khăn do nhiều đơn vị không đủ điều kiện về vốn để ứng dụng; nguồn vốn KC còn hạn chế so với yêu cầu…

Với mục tiêu đến năm 2015, tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ở KVNT chiếm 35% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, thời gian đến, TTKC tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở KVNT phát triển. Đồng thời, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và thực hiện các dự án theo chương trình Sản xuất sạch hơn; thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xử lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Mặt khác, Trung tâm sẽ tăng cường đào tạo, tổ chức tập huấn kiến thức nhằm nâng cao năng lực hội nhập cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở KVNT.

Hiện nay, TTKC đang phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện 13 đề án KC cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,5 tỉ đồng. Trong đó, 5 đề án được thực hiện từ nguồn kinh phí KC quốc gia, trên 1 tỉ đồng; 6 đề án thực hiện từ nguồn kinh phí KC địa phương, gần 320 triệu đồng và 2 đề án thực hiện từ nguồn kinh phí mục tiêu quốc gia giảm nghèo, gần 200 triệu đồng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2011, các đề án này sẽ được triển khai thực hiện hoàn chỉnh.


Tin nổi bật Tin nổi bật