A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, UBND tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTXDNTM), phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 25% số xã ở khu vực nông thôn (KVNT) đạt chuẩn xã NTM. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM của tỉnh - về tiến độ triển khai Chương trình này.

* Sau hơn 1 năm triển khai CTXDNTM, xin ông cho biết về những kết quả tỉnh ta đã làm được, đến thời điểm này?

- Triển khai CTXDNTM, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 104/129 xã  KVNT hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, 25 xã còn lại đang triển khai thực hiện. Trong đó, các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Hoài Nhơn 100% số xã đã hoàn thành xong việc triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn.

Trong công tác triển khai lập quy hoạch chung đến năm 2020, đến nay, đồ án quy hoạch chung 4 xã điểm của tỉnh gồm Nhơn Lộc (An Nhơn), Bình Nghi (Tây Sơn), Hoài Hương (Hoài Nhơn), Ân Thạnh (Hoài Ân) đã cơ bản hoàn thành. UBND các xã đang xem xét, góp ý để trình UBND huyện phê duyệt. 61 xã KVNT đang được các đơn vị tư vấn triển khai lập quy hoạch, trong đó, UBND một số xã đã xem xét, thống nhất trình UBND huyện phê duyệt quy hoạch. Dự kiến đến cuối tháng 12.2001, các xã này cũng sẽ hoàn thành quy hoạch chung. Sở NN-PTNT cũng đã tổ chức hội thảo với các đơn vị tư vấn lập quy hoạch để đánh giá tình hình triển khai, nội dung và phương pháp lập quy hoạch chung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất một số biện pháp đẩy nhanh tiến độ…

* Là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về ngân sách, tỉnh ta có cách làm hay nào trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM?

- Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên phương châm của tỉnh là phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, đồng thời đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân được thụ hưởng”. Khi triển khai xây dựng NTM, tiến hành lồng ghép các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn và huy động sự đóng góp về công sức, tiền của của nhân dân địa phương.

Qua quá trình triển khai xây dựng NTM, chúng tôi xác định việc đầu tiên là tuyên truyền vận động sâu rộng về chủ trương xây dựng NTM để nhân dân có cái nhìn, cách hiểu toàn diện về CTXDNTM. Mục tiêu xây dựng NTM thực sự là vì nhân dân và sự phát triển của cộng đồng dân cư tại địa phương.

Khi tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, cần tuyên truyền để làm sao cho bà con hiểu, muốn có cơ sở hạ tầng tốt thì phải đóng góp và tự ý thức được đó là công việc của mình và cộng đồng chứ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tiếp theo, chúng tôi chọn xây dựng các xã điểm xây dựng NTM, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những kinh nghiệm hay được nhân rộng vào thực tế, những tồn tại, vướng mắc kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh để CTXDNTM nhanh chóng phát huy hiệu quả…

* Thực tế cho thấy, người dân ở các huyện miền núi, vùng cao có mức thu nhập còn khá thấp so với đồng bằng. Tỉnh ta xác định hướng đi nào để nâng cao thu nhập cho người dân?

- Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng trong CTXDNTM của tỉnh, nên chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng KHKT vào thâm canh, nhất là sử dụng giống mới và cải tạo đồng ruộng, phát triển ngành nghề, dịch vụ nông thôn, tạo việc làm mới. Trong thời gian qua, các huyện miền núi của tỉnh như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão được thụ hưởng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ (còn gọi là Chương trình 30a/2008/NQ-CP) nên cũng gặp nhiều thuận lợi trong việc hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây con giống, chuyển giao tiến bộ KHKT… Hiện nay, để nâng cao thu nhập cho người dân, ngành Nông nghiệp chủ trương sẽ chọn ưu tiên đặc thù về cây trồng, vật nuôi của từng địa phương để đầu tư hỗ trợ phát triển, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có năng suất cao, chất lượng tốt, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân.

* Trong công tác triển khai xây dựng NTM, tỉnh ta đang gặp phải những khó khăn nào và hướng giải quyết các khó khăn đó ra sao, thưa ông?

- Qua triển khai thực hiện CTXDNTM, những khó khăn, tồn tại nổi lên là một số huyện triển khai còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định của UBND tỉnh. Lãnh đạo một số xã chưa đi sâu, tìm hiểu đầy đủ về chương trình, nhất là những xã nằm ngoài danh sách các xã xây dựng NTM đến năm 2020, nên kết quả thực hiện chưa cao. Một số xã còn bị động trong triển khai thực hiện, thiếu cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực xây dựng NTM, chưa hiểu rõ phương pháp tiến hành thu thập, đánh giá số liệu khảo sát, nên kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí còn thiếu chính xác, chưa cụ thể, rõ ràng theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, chưa phát huy thật sự vai trò của cộng đồng dân cư trong việc tham gia xây dựng NTM…

Hiện nay, Sở NN-PTNT, Văn phòng điều phối CTXDNTM tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng NTM, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng NTM. Tổ chức các lớp tập huấn cho Ban quản lý xây dựng NTM các xã, hướng dẫn lập kế hoạch, vận động, huy động nguồn lực và quản lý tài chính, hướng dẫn xây dựng đề án nông thôn mới. Đồng thời, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM…


Tin nổi bật Tin nổi bật