A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”: Bước khởi động tích cực

Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 7.2011. Sở VH-TT&DL đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, hội đoàn thể, địa phương liên quan tổ chức soạn thảo Kế hoạch thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh.

Hai giai đoạn triển khai

Theo Kế hoạch, Đề án được triển khai thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2011-2015), thực hiện các mục tiêu: hoàn thành việc thống kê về giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở từng địa phương; về văn hóa gia đình, văn hóa làng. Cơ bản đưa các dân tộc thiểu số rất ít người ra khỏi tình trạng giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một, cần bảo vệ khẩn cấp; bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của đồng bào. 50-60% làng, thôn của đồng bào các dân tộc thiểu số có nhà văn hóa (nhà rông hoặc nhà văn hóa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng) tự chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện. Định hình và triển khai xây dựng đời sống văn hóa tại các khu tái định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số. 50-60% cán bộ làm công tác văn hóa tại vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số là người của dân tộc mình (hoặc của dân tộc anh em có thời gian sinh sống lâu trên địa bàn, hiểu biết sâu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa) đã được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn của ngành. Mỗi huyện có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất một nghề truyền thống; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian được định hướng phát huy; xây dựng mô hình làng văn hóa – du lịch đặc trưng góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội. 100% các dân tộc thiểu số hiện có trên địa bàn tỉnh được kiểm kê tài sản văn hóa của dân tộc mình; hoàn thành bộ chỉ số phát triển văn hóa dân tộc đến năm 2020.

Giai đoạn 2 (2016-2020), sẽ đẩy mạnh việc khai thác, phát huy tác dụng của di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Cơ bản hoàn thành việc bảo tồn khẩn cấp và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số…

Đồng bào Bana làng Tà Điệk (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) đang vui hội tại nhà rông. 

Những dự án bảo tồn

Toàn tỉnh hiện có 32.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 2% dân số) sinh sống tại 33 xã miền núi ở 6 huyện trong tỉnh. Trước sự bùng nổ thông tin, giao lưu và hội nhập về phương diện văn hóa hiện nay, vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các tập tục lạc hậu gây tác hại đến đời sống của đồng bào còn tồn tại trong khi một số nét văn hóa truyền thống tốt đẹp lại chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức nên có nguy cơ mai một trong quá trình phát triển. Do đó, việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh trở nên vô cùng cấp thiết…

UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban điều hành Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh với hơn 20 ủy viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng làm Trưởng ban. Ông Dương Tấn Sinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban điều hành Đề án, cho biết: “Kế hoạch thực hiện Đề án đã được trình lên UBND tỉnh để xem xét cho ban hành. Sau khi Kế hoạch được thông qua, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện; và Sở cũng sẽ chủ trì triển khai các dự án thành phần của Đề án như: Dự án Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến 2020, tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Dự án Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; Dự án Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số; Dự án Giới thiệu quảng bá các tác phẩm VHNT và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học…”.


Tin nổi bật Tin nổi bật