A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ: Chất lượng dân số về thể chất của tỉnh Bình Định ở mức thấp

Công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho rằng thành công này mới chỉ trên góc độ ổn định quy mô dân số, còn chất lượng dân số vẫn còn nhiều vấn đề.

 

Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, Tháng hành động năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 31.12, với mục tiêu nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế.  

Chúng ta đã trải qua 50 năm công tác dân số, nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số, ông có thể tóm tắt một số kết quả của công tác dân số đạt được trong thời gian qua?

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Tỉ lệ gia tăng dân số bình quân trong 10 năm vừa qua là 1,2%/năm - mức thấp nhất trong suốt 50 năm. Từ năm 2006, chúng ta đã đạt mức sinh thay thế (tổng tỉ suất sinh 2,1 con), về đích sớm hơn 10 năm so với mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII đã đề ra.

Tại Bình Định, tỉ lệ phát triển dân số đã giảm từ 2,76% năm 1991 xuống còn 1,16% năm 2009. Tổng tỉ suất sinh đã giảm từ 4,3 con năm 1991 đến 2,1- 2,15 con trong giai đoạn 2006-2010. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bình Định vẫn đang đối mặt với các thách thức về chất lượng dân số thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh, tình trạng thừa nam- thiếu nữ ở trẻ sơ sinh…

Đó là những thách thức rất lớn trong công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Vấn đề mới xuất hiện trong công tác dân số vài năm gần đây là tỉ số giới tính khi sinh đã tăng nhanh một cách bất thường. Bình thường, tỉ số này dao động trong khoảng từ 103 - 106 bé trai/100 bé gái. Từ năm 2006, tỉ số này của Việt Nam đã tăng cao và nhanh liên tục đến năm 2010 là 111,7/100 và ở Bình Định tỉ số này là 117/100, cao hơn bình quân cả nước. Kết quả tổng điều tra dân số ngày 1.4.2009 cũng cho thấy, tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở tỉnh ta là 10,8% (cả nước 9%). Bình Định đã bước vào thời điểm cơ cấu dân số già. Các nhà khoa học đã tính toán: Nếu việc chăm sóc sức khỏe cho một đứa trẻ chỉ tốn 1 đồng thì việc chăm sóc một người cao tuổi phải cần tới 8 đồng.

Tỉ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực trí tuệ ở Bình Định chiếm tới 1,5% dân số, trong đó trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5 - 3% và chưa có xu hướng giảm.

 

Chỉ số phát triển con người của chúng ta tuy đạt mức trung bình khá, đạt mục tiêu của Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đề ra nhưng có “vấn đề” về chất lượng. Tôi nói thế vì đến nay chất lượng dân số về thể chất chúng ta thấp, tỉ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực trí tuệ chiếm tới 1,5% dân số, trong đó trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5- 3% và chưa có xu hướng giảm. Tuổi thọ bình quân của chúng ta là 72,2 tuổi, nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh khá thấp, 66 tuổi. Người vị thành niên, thanh niên không chỉ thấp bé, nhẹ cân mà yếu cả về sức mạnh cơ bắp, sức dẻo dai và sức bền…

Vậy, tỉnh ta đã có giải pháp nào cho các vấn đề “nóng” nói trên, thưa ông?

Như trên đã nói, công tác DS-KHHGĐ ở Bình Định vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Do đó, nhiệm vụ của công tác dân số giai đoạn tới không còn theo mục tiêu duy nhất trước đây là giảm sinh do sự bức bách về quy mô và tốc độ gia tăng dân số mà là giải quyết đồng bộ các vấn đề về dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung ở các nhóm vấn đề: tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số hợp lý, chăm sóc sức khỏe cho người già và kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh.


Tin nổi bật Tin nổi bật