A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng:

Tỉnh ta đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (gọi tắt là CBR, do tổ chức AIFO của Ý tài trợ). Trong giai đoạn này, Chương trình CBR tập trung vào mục tiêu tăng cường cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật (NKT)…

Đi lên từ nghị lực sống

Hội trường UBND xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) sáng 30.11 nhộn nhịp khác hẳn mọi ngày. Hơn 30 NKT đến đây tham dự chương trình tọa đàm “Nghị lực sống - Hướng đến tương lai”, do Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh cùng Phòng LĐ-TB&XH Tây Sơn phối hợp tổ chức. Họ đã chăm chú lắng nghe anh Võ Đình Minh, Chi hội trưởng Chi hội khuyết tật Sức sống (TP Quy Nhơn) chia sẻ quá trình phấn đấu vượt qua hoàn cảnh tật nguyền.

Từ một NKT mất sức lao động đến 81%, anh Minh đã trở thành ông chủ của một cơ sở cơ khí, tạo việc làm cho hơn chục người cùng cảnh ngộ. Anh Minh chính là người đầu tiên ở Việt Nam cải tiến mô tô 2 bánh thành 3 bánh có gắn hộp số lùi. “Để có được thành quả như hôm nay, tôi đã phải nỗ lực không ngừng. Nhiều năm qua, tôi đã làm việc 16 tiếng mỗi ngày, để khẳng định NKT có thể làm được việc như một người bình thường” - anh Minh tâm sự. 

Từ sự khâm phục trước nghị lực sống của anh Võ Đình Minh, NKT tại Tây Sơn đã trao đổi về những khó khăn trong cuộc sống, bày tỏ mong muốn được quan tâm tạo điều kiện để tự làm việc nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Bông, ở thôn Phú An, xã Tây Xuân, bày tỏ: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tiến hành các hoạt động sản xuất, tạo việc làm. Nhiều người e ngại, thiếu tự tin khi thực hiện các bước thủ tục để vay vốn sản xuất. Chúng tôi rất cần sự giúp đỡ cụ thể của các tổ chức xã hội”.

Bà Rosella Icobelli, Đại diện AIFO tại Bình Định: “Mục tiêu của AIFO khi triển khai chương trình CBR là thay đổi nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với NKT. Từ đó, hỗ trợ NKT tăng cường tham gia hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng”.

 

Lắng nghe những tâm sự của NKT, ông Lâm Văn Lành, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn, cùng ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh đã có những hướng dẫn cụ thể để NKT tiếp cận được nguồn vốn vay của Chương trình CBR. Trong đó, với các bước thủ tục để thành lập nhóm NKT và làm hồ sơ đề nghị vay vốn, NKT có thể liên hệ trực tiếp với tổ chức Hội CTĐ hoặc cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH ở cấp xã để được giúp đỡ.

Cũng trong khuôn khổ Chương trình CBR, 5 buổi tọa đàm “Nghị lực sống - Hướng đến tương lai” cũng được tổ chức tại các trường học ở cả 5 huyện có triển khai Chương trình, với sự tham gia của hơn 500 học sinh mỗi buổi. Tại các buổi tọa đàm, các em học sinh tham gia rất hào hứng, đặt nhiều câu hỏi cho các vị khách mời. Đây là một hoạt động bổ ích, giúp các em có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống của NKT, từ đó có ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập.  

Tích cực hỗ trợ NKT

Từ năm 2008 đến năm 2010, Chương trình CBR đã triển khai tại 6 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Phú Thọ, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Bình Định. Chương trình đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả tích cực cho NKT. Sau 3 năm hoạt động, chương trình CBR chỉ còn triển khai ở Bình Định với thời gian 2 năm (2011-2012), thực hiện ở các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Hoài Ân.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình CBR, chiều 3.12, tại Văn phòng Hội CTĐ tỉnh đã diễn ra hoạt động cấp phát trang thiết bị phục vụ Chương trình cho Hội CTĐ tỉnh, Hội Bảo trợ NTT&TMC tỉnh và Hội CTĐ các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Hoài Ân. Các trang thiết bị gồm 6 máy tính xách tay, 6 máy tính để bàn, 12 máy in, 1 máy chiếu, 3 xe máy, 150 xe đạp cùng nhiều văn phòng phẩm. Tổng giá trị các trang thiết bị là hơn 722 triệu đồng.

 

Theo ông Hà Văn Cát, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình CBR tỉnh, trong giai đoạn 2, Chương trình tập trung hướng đến hoạt động trợ giúp NKT phục hồi chức năng dựa vào nguồn lực tại cộng đồng. Các tình nguyện viên tham gia chương trình CBR đã được tập huấn, trang bị kiến thức về 7 dạng tật và cách phục hồi các dạng tật này; kỹ năng lập kế hoạch CBR cấp xã; tổ chức khảo sát, đánh giá, phân loại NKT ở cộng đồng; thực hành làm dụng cụ phục hồi chức năng dựa vào vật liệu sẵn có… Đây là lực lượng nòng cốt để tiến hành các hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng thường xuyên tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, Chương trình sẽ hỗ trợ cho NKT được vay vốn không lấy lãi để có điều kiện mở các cơ sở sản xuất nhỏ, tiến tới có việc làm ổn định nuôi sống bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng. Mỗi người sẽ được vay từ 1 đến 5 triệu đồng, thời gian vay không quá 24 tháng, sau đó nguồn vốn này sẽ tiếp tục được xoay vòng ở cộng đồng dành cho NKT. Để tạo điều kiện cho NKT tìm kiếm cơ hội việc làm, Chương trình cũng đặt ra mục tiêu dạy nghề cho 250 NKT với các nghề may công nghiệp, thêu tay, mây tre đan, tin học và nấu ăn. 

“Sau khi phục hồi chức năng cho NKT, dạy nghề, hỗ trợ vốn cho họ, Chương trình sẽ tiếp tục với các hoạt động tìm kiếm nơi tiêu thụ sản phẩm do NKT làm ra, hỗ trợ họ phát triển sản xuất”- ông Cát khẳng định.


Tin nổi bật Tin nổi bật