Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Thất thu thuế từ hoạt động khai thác bán quặng thô titan quá lớn
Thông báo trên vừa ban hành, có 8 DN đã gửi “Đơn kêu cứu” lên Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Sau đó, có thông tin UBND tỉnh lại cho phép DN bán titan thô ra ngoài tỉnh. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, theo 8 DN có “Đơn kêu cứu” thì Thông báo số 129 của UBND tỉnh giống như “hiệu lệnh chuyển làn lưu thông mà không có đèn vàng khiến DN không kịp chuẩn bị” và là kiểu “ngăn sông cấm chợ”, tước đi quyền tự do chọn lựa khách hàng của DN?
- Không đúng như vậy. Một số DN cho rằng “không hề biết phải có trách nhiệm thực hiện quy trình tuyển tinh quặng titan để đạt hàm lượng TiO2 bằng hoặc lớn hơn 52%” cũng là cách nói ngụy biện và chống chế. Thực tế là ngay từ năm 2003 đến nay, Chính phủ (CP), Bộ Công Thương (CT) và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn việc thực hiện chế biến sâu titan và hạn chế xuất bán thô nội địa. Công văn (CV) số 927/VPCP-CN của Văn phòng CP khẳng định: “...từ năm 2009 sản phẩm khai thác, tuyển quặng titan chỉ phục vụ quy hoạch chế biến trong nước”. Còn CV số 8020/BCT-CNNg ngày 30.8.2011 của Bộ CT về việc “Tăng cường kiểm tra, chống xuất khẩu lậu khoáng sản” cũng yêu cầu: “…chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản theo quy hoạch được duyệt để tiêu thụ các loại khoáng sản khai thác, chế biến trên địa bàn”.
Đối với tỉnh Bình Định, UBND tỉnh cũng đã ban hành các Chỉ thị số 26/2003/CT-UB về “Nâng cao hiệu quả khai thác sa khoáng titan trên địa bàn tỉnh”, Chỉ thị 11/2005/CT-UB về “Một số biện pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản”; trong đó chỉ đạo:
“...ngừng việc cấp phép hoạt động khai thác sa khoáng titan cho các DN mới đăng ký lần đầu nếu DN không có dự án chế biến các sản phẩm hậu titan…; các DN được tiếp tục hoạt động khai thác phải đảm bảo các yêu cầu như: có kế hoạch thực hiện việc đầu tư thiết bị, công nghệ để chế biến, đảm bảo đạt chuẩn xuất khẩu tối thiểu ilmenite có hàm lượng TiO2 ≥ 52%;…các DN cần có kế hoạch sớm triển khai việc lập dự án đầu tư, liên kết đầu tư trong và ngoài nước chế biến các sản phẩm hậu titan…”.
Ngày 3.10.2011, UBND tỉnh có các CV số 3242/UBND-KTN và số 3252/UBND-KTN chỉ đạo: “Nghiêm cấm việc mua, bán, vận chuyển và tàng trữ titan thô (quặng thô chưa qua tách tuyển thành tinh quặng ilmenite, zircon, rutile..., hoặc không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định của Bộ CT) ra ngoài tỉnh; ưu tiên gia hạn giấy phép khai thác cho các DN có nhà máy tuyển tinh quặng hoặc có nhà máy chế biến sâu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cho phép các đơn vị có hợp đồng bán quặng thô trực tiếp cho các nhà máy tuyển tinh quặng hoặc có nhà máy chế biến sâu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở ngoài tỉnh… ”. Như vậy, việc DN chỉ khai thác và xuất bán quặng thô titan nội địa là không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của CP, Bộ CT và UBND tỉnh.
* Ông có thể cho biết cụ thể tình hình khai thác và bán quặng titan thô của các DN trên địa bàn?
- Không có văn bản nào cho phép các DN khai thác titan bán quặng thô. Ngược lại, theo chủ trương của CP, Bộ CT và UBND tỉnh thì sản phẩm titan được phép xuất khẩu phải có hàm lượng tinh quặng ilmenite (TiO2 ≥ 52% và khuyến khích chế biến sâu quặng titan ra các sản phẩm như ilmenite hoàn nguyên, xỉ titan, pigment, titan kim loại… Đáng lưu ý, trong nội dung các hồ sơ dự án khai thác titan của các DN thì cũng không có DN nào ghi trong hồ sơ là sau khi khai thác quặng thô đem đi bán, mà sản phẩm khai thác được tuyển tinh tại xưởng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ilmenite ≥ 52% và rutile, zircon, monazite...
Bên cạnh đó, hầu hết các giấy phép do UBND tỉnh cấp cho các DN khai thác khoáng sản titan cũng đều xác định công suất khai thác bao gồm các sản phẩm: ilmenite, zircon, rutile, monazite, magnetit đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu theo quy định. Thế nhưng, khi được cấp giấy phép, nhiều DN chỉ khai thác quặng thô rồi đem bán mà không đầu tư thiết bị tuyển từ, tuyển điện để tuyển ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều đó cho thấy, chính các DN đã tự mâu thuẫn với dự án do mình trình xin cấp phép và không thực hiện đúng các quy định ghi trong giấy phép khai thác đã được cấp cho DN.
* Vậy thực chất của “câu chuyện titan” ở Bình Định là thế nào?
- Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở CT đã yêu cầu 8 DN có “Đơn kêu cứu” sao gửi hợp đồng đã ký bán quặng thô titan ra ngoài tỉnh và đề nghị các DN khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh báo cáo quặng titan thô tồn kho để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh và Cục Hải quan tỉnh để xác định các loại thuế, phí của các DN khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh đã nộp trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011. Kết quả, đến nay có 7 DN cung cấp hợp đồng mua bán titan thô với các DN ngoài tỉnh. Giá bán thấp nhất là 506 ngàn đồng/tấn; cao nhất là 950 ngàn đồng/tấn; giá phổ thông là 660 ngàn đồng/tấn.
Trong khi các DN có nhà máy tuyển tinh hoặc có nhà máy chế biến sâu titan trong tỉnh mua với giá từ 1,2 triệu đồng/tấn trở lên thì các DN không có nhà máy không muốn bán; còn nếu chịu bán thì ghi hóa đơn với giá thấp hơn so với giá thực thu mà các DN phải hạch toán đầu vào để tính giá thành. Vì sao vậy? Phải chăng là để trốn thuế? Qua xác minh từ Sở CT các tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Phú Yên, Phú Thọ và TP Hải Phòng, chúng tôi được biết: Có 7 DN khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh Bình Định ký hợp đồng bán quặng titan thô với 10 DN ngoài tỉnh. Tuy nhiên, theo xác nhận của Sở CT các tỉnh thì các DN bên mua đều không có nhà máy chế biến tinh quặng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định. Như vậy, số quặng titan thô ký hợp đồng bán đi đâu? Riêng vấn đề “tồn kho quặng titan thô” theo phản ảnh của một số DN, qua xác minh, chỉ có 3 DN (Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ HBC, Công ty CP Khoáng sản Mỹ Đức và Chi nhánh Công ty CP Thanh niên tại Bình Định) có tổng số lượng tồn kho (đến 25.10.2011) là 6.663,2 tấn.
* Và, “hệ lụy” của việc khai thác, xuất thô titan là gì, thưa ông?
- Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh và Cục Hải quan Bình Định tiến hành xác định các loại thuế, phí của các DN khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh đã nộp trong năm 2010 và 9 tháng năm 2011. Kết quả là, đối với các DN có nhà máy tuyển tinh hoặc chế biến sâu, số tiền nộp ngân sách bình quân trong năm 2010 là 446.728 đồng/tấn; 9 tháng đầu năm 2011 là 396.570 đồng/tấn. Đối với các DN không có nhà máy tuyển tinh hoặc chế biến sâu, số tiền nộp ngân sách bình quân trong năm 2010 là 13.781 đồng/tấn; 9 tháng đầu năm 2011 là 53.159 đồng/tấn. Như vậy, trong năm 2010, số tiền nộp ngân sách bình quân theo tấn sản phẩm của các DN có nhà máy tuyển tinh hoặc chế biến sâu nhiều gấp…. 32 lần so với các DN không có nhà máy tuyển tinh hoặc chế biến sâu; 9 tháng đầu năm 2011 gấp 7 lần. Điều đáng nói là sản lượng ghi trong giấy phép cấp cho DN thì DN có nhà máy tuyển tinh hoặc chế biến sâu chỉ hơn 1,35 lần (345.747/255.345 tấn/năm) so với 10 DN không có nhà máy tuyển tinh hoặc chế biến sâu. Điều đó chứng minh rõ ràng rằng: Việc thất thu thuế thu nộp ngân sách và phí môi trường của các DN nói trên là quá lớn. Cụ thể, năm 2010 các DN không có nhà máy tuyển tinh hoặc chế biến sâu đã làm thất thu 110,456 tỉ đồng và 9 tháng 2011 các DN này làm thất thu 88,783 tỉ đồng, và cũng không tạo ra một đồng kim ngạch xuất khẩu ra nước ngoài nào cho tỉnh.
Điều đáng nói, không chỉ Nhà nước thất thu thuế mà hoạt động khai thác bán quặng thô titan trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã gây nên tình trạng mất an ninh trật tự xã hội ở một số xã ven biển; tạo ra những bức xúc về cạnh tranh không lành mạnh với các DN có nhà máy chế biến sâu; đồng thời gây nên sự bất bình đẳng giữa các DN. Đặc biệt, thời gian qua, UBND tỉnh và các địa phương, ban, ngành chức năng trong tỉnh đã phải mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí để giải quyết hậu quả…