Hoạt động sơ cấp cứu chữ thập đỏ: Góp phần giảm hậu quả tai nạn thương tích
“Điển hình” Mỹ Hiệp
Điểm SCC xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) được thành lập từ năm 1993. Ngoài “trụ sở” đặt tại Trạm Y tế xã, điểm SCC Mỹ Hiệp còn có mặt ở thôn Bình Long, thôn Bình Tân Đông và khu vực chợ Mỹ Hiệp thuộc thôn Đại Thuận. Mỗi tổ SCC ở Mỹ Hiệp có 2-3 thành viên, trong đó có 1 thường trực. Thành viên của các tổ SCC chủ yếu là nhân viên y tế cộng đồng nên nắm vững các kỹ năng SCC. Bên cạnh đó, 22 tình nguyện viên CTĐ ở 17 thôn cũng được trang bị túi SCC để có thể tiến hành SCC ban đầu trên địa bàn. Mỗi tháng 2 lần, điểm SCC Mỹ Hiệp lại tổ chức sinh hoạt để nắm tình hình hoạt động, giao lưu trao đổi kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội CTĐ xã Mỹ Hiệp, chia sẻ: “Việc SCC của các tình nguyện viên CTĐ đã có tác động rất lớn đến nhận thức của người dân. Họ coi đây là việc của mọi người, mọi nhà cần phải làm nên khi có tai nạn xảy ra, người dân trong khu vực đã báo ngay cho tình nguyện viên sớm có mặt tại hiện trường để giúp đỡ người bị nạn. Không chỉ SCC cho những người bị tai nạn giao thông, tình nguyện viên còn giúp các đối tượng bị tai nạn lao động, đuối nước…”.
Năm 2010, chỉ riêng tổ SCC tại Trạm Y tế xã Mỹ Hiệp đã tiến hành SCC cho 44 người, đầu năm 2011 đến nay SCC cho 20 người, trong đó chủ yếu là nạn nhân bị tai nạn giao thông. Ở các địa điểm khác trong xã, người được SCC chủ yếu bị tai nạn lao động đơn giản. Một số trường hợp được SCC kịp thời như Huỳnh Ngọc Sơn (22 tuổi, công nhân Công ty gỗ Minh Phú, bị tai nạn lao động), Phạm Ngọc Quang (23 tuổi, ở thôn Ân Trinh, bị tai nạn lao động), Nguyễn Văn Nghĩa (30 tuổi, ở thôn An Trinh, bị đánh), (Nguyễn Bá Hải, 16 tuổi, bị tai nạn giao thông)…
Để hoạt động SCC ở Mỹ Hiệp trở thành một “điểm sáng” như hiện nay, phải kể đến sự tham gia nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao của nhiều tình nguyện viên, như ông Nguyễn Xuân Thành (thôn Hòa Nghĩa), bà Bùi Thị Đinh (thôn Bình Long), bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Vạn Phước)…
Còn nhiều cái khó
Theo thống kê của Hội CTĐ tỉnh, hiện tại, toàn tỉnh có 15 điểm SCC CTĐ. Trong số đó, đáng chú ý, huyện Phù Mỹ có đến 9 điểm. Các điểm SCC đều được trang bị túi thuốc, các trang thiết bị phục vụ việc SCC người bị tai nạn thương tích như: cáng cứu thương, nẹp, băng, gạc… có sổ theo dõi tên, địa chỉ, tình trạng sức khỏe, tài sản của người bị nạn, nguyên nhân gây tai nạn, nơi đưa bệnh nhân đến cấp cứu. Cùng với đó, tình nguyện viên đều được tập huấn những kỹ năng cơ bản về sơ cứu, cấp cứu khi có tai nạn xảy ra. Chính nhờ sự có mặt kịp thời của các tình nguyện viên CTĐ mà nhiều trường hợp đã bớt đi nguy hiểm trước khi được đưa đến cơ sở y tế, giảm chi phí điều trị cho họ.
Tuy nhiên, hoạt động của các điểm SCC vẫn gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Hữu Thanh, cán bộ Ban Chăm sóc sức khỏe, Hội CTĐ tỉnh, cho biết: “Lực lượng tình nguyện viên SCC thường không cố định, họ phải làm việc để đảm bảo đời sống hằng ngày nên không thể toàn tâm toàn ý dành 100% thời gian cho công tác SCC tại cộng đồng. Các điểm SCC ra đời từ các chương trình, dự án của nước ngoài; khi kết thúc các dự án, chương trình thì công tác duy trì hoạt động rất khó khăn do thiếu kinh phí”.
Về những khó khăn khi tổ chức hoạt động SCC, ông Nguyễn Hồng Phong phân tích: “Có những trang thiết bị phục vụ SCC chúng tôi vẫn thiếu, như bàn ghế, bông băng, vật tư tiêu hao phục vụ cấp cứu… Bây giờ không có nguồn nào để mua, có tình nguyện viên bỏ tiền túi ra mua thì cũng chỉ SCC được những chấn thương nhẹ. Hay là nẹp cố định gãy xương, khi cấp cứu và đưa nạn nhân lên tuyến trên, bệnh viện không thể đem trả nẹp về nơi SCC. Cáng cứu thương dùng một thời gian bị hư hỏng cũng không có kinh phí để sửa chữa, trong khi tình nguyện viên đa số không khá giả gì”.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm SCC, ngoài sự nỗ lực của bản thân những tình nguyện viên, rất cần sự quan tâm của cơ quan chủ quản (tổ chức CTĐ) và các ngành chức năng liên quan…